Top 10 thương hiệu du lịch dẫn đầu Việt Nam
i-search

Rừng Tràm Trà Sư ở đâu, kinh nghiệm phượt rừng tràm Trà Sư

Thứ bảy, 23/05/2020, 13:04 GMT+7

Với cảnh sắc vô cùng quyến rũ hiện lên như một bức tranh thủy mạc. Rừng tràm Trà Sư được đánh giá là điểm tham quan độc đáo và thơ mộng nhất của vùng đất An Giang.

Du khách đến tham quan sẽ cảm nhận choáng ngợp trước rừng tràm bao la và có cơ hội khám phá hệ sinh thái rừng đặc trưng phía Tây sông Hậu với nhiều loài động vật và thực vật quý hiếm, đa dạng qua bài viết Rừng Tràm Trà Sư ở đâu, kinh nghiệm phượt rừng tràm Trà Sư.

Cùng chuẩn bị cho mình chuyến du lịch rừng Tràm Trà Sư để cảm giác đặt chân vào xứ sở thần tiên nhé, đặc biệt con người ở đây rất thân thiện, nhiệt tình, đồ ăn lại ngon và rất rẻ.

Rừng Tràm Trà Sư mùa nước nổiRừng Tràm Trà Sư mùa nước nổi

1. Rừng tràm Trà Sư ở đâu

Thuộc xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.

Cách Tp. Hồ Chí Minh gần 280 km

Cách Cần Thơ gần 150km

Cách thành phố Long Xuyên 64km

Cách thành phố Châu Đốc khoảng 30 km về phía tây nam. Từ thị xã Châu Đốc đến thị trấn Nhà Bàng khoảng 17km thuộc huyện Tịnh Biên. Từ đây, đi theo đường tỉnh lộ 948 đến Km số 6, tiếp tục rẽ trái đi theo một con đường nhỏ dài khoảng gần 4km là đến khu sinh thái rừng tràm Trà Sư.

2. Khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư:

Đàn cò tự nhiên trong rừng Tràm Trà SưĐàn cò tự nhiên trong rừng Tràm Trà Sư

Đôi nét về Rừng Tràm Trà Sư

Rừng tràm Trà Sư là tên gọi cánh rừng có nhiều cây tràm gần khu vực núi Trà Sư huyện Tịnh Biên, An Giang. Tên gọi Trà Sư có nghĩa là là ông thầy tu. Cụ thể “Trà” là biến âm của “tà” trong tiếng Khmer có nghĩa là ông; còn “Sư” theo nghĩa Hán Việt là ông thầy tu. Và cũng có ý kiến cho rằng “Trà Sư” có ý nghĩa là thầy chùa, một một ông sư tên Trà.

Rừng Tràm Trà Sư hình thành vào năm 1983, từ một vùng trũng bị nhiễm phèn, hoang hóa đã được Lâm trường Tịnh Biên trồng tràm thử nghiệm để góp phần cải tạo đất và ngăn lũ đầu nguồn.

Rừng tràm Trà Sư rộng 845 ha nằm trên địa bàn 3 xã Văn Giáo, xã Vĩnh Trung của huyện Tịnh Biên và một phần giáp xã Ô Long Vỹ của huyện Châu Phú An Giang.

Hệ sinh thái rừng tràm Trà Sư

Với diện tích gần 850ha, Rừng Tràm Trà Sư An Giang là khu rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng Tây sông Hậu, là nơi sinh sống nhiều loài thực vật, động vật và đặt biệt có nhiều loài chim cò quý hiếm được ghi vào sách đỏ Việt Nam

Hệ động vật rừng tràm Trà Sư:

Hệ động vật ở rừng tràm khá phong phú, cụ thể:

  • Hệ bò sát, ếch, nhái ghi nhận 25 loài, gồm cả rắn hổ mang và rắn cạp nong.
  • Hệ thú nổi bật với 15 loài dơi và 4 loài gặm nhấm, trong đó có loài dơi chó tai ngắn quý hiếm đã được ghi trong sách Đỏ Việt Nam.
  • Hệ chim gồm 70 loài, trong đó có 2 loài chim quý hiếm là giang sen và điêng điểng.

Trà Sư cũng là nơi trú ngụ 13 loài cá chỉ xuất hiện vào mùa lũ, trong đó có 2 loài cá có giá trị khoa học và đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng là cá còm và cá trê trắng và có 10 loài cá xuất hiện quanh năm.

Hệ thực vật rừng tràm Trà Sư:

Hệ thực vật ở đây cũng khá đa dạng gồm 140 loài, với 22 loài cây gỗ, 10 loài dây leo, 25 loài cây bụi, 70 loài cỏ, 13 loài thủy sinh. Nổi bật nhất là cây tràm, và thảm bèo xanh mướt giăng kín mặt nước.

Ngoài ra, vùng đệm rừng tràm còn là nơi sinh sống của cộng đồng người Khmer và người Kinh, với các nghề thủ công truyền thống như: nấu đường thốt nốt, chưng cất tinh dầu tràm, dệt thổ cẩm, nuôi ong lấy mật...

3. Đi rừng tràm Trà Sư mùa nào đẹp

Du lịch rừng Tràm Trà Sư mùa nước nổiDu lịch rừng Tràm Trà Sư mùa nước nổi

Đi rừng tràm Trà Sư mùa nước nổi là đẹp nhất, khoảng từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch (nhằm tháng 9 - 12 dương lịch). Bèo phủ dày như tấm thảm khổng lồ xanh mượt, dưới nước vô số cá tôm, phía trên họ nhà chim hót líu lo, hai bên tràm như giang vòng tay che mát. Những bông hoa tràm nở trắng, tỏa hương thơm thoang thoảng...như lạc vào một xứ sở thần tiên.

Đặt biệt, nếu đi rừng tràm đừng bỏ lỡ vào hai thời điểm trong ngày:

  • Buổi sáng từ 7h00 đến 9h00 dưới nắng vàng trong trẻo, các loài chim tụ tập rất đông, líu lo không dứt .
  • Buổi chiều từ 17h00 đến 18h00 là thời điểm những đàn chim về tổ, bay lượn rợp trời và cũng là lúc ngắm hoàng hôn rất đẹp từ đài quan sát.

Rừng tràm Trà Sư vào mùa nước nổi có gì hấp dẫn:

  • Những cây thủy liễu uốn mình mềm mại trong làn nước trong xanh, rừng sen lá xanh thắm, bông đỏ tươi khoe nở; những khóm bông điên điển… Vừa ngắm cảnh đẹp, du khách có thể vừa tự tay hái các loại rau muống, rau dừa, điên điển…
  • Sẽ được ngắm cánh rừng biếc xanh bạt ngàn mênh mông, những bông hoa tràm trắng tinh khiết, hương tràm thoảng đưa nhẹ nhàng khiến tinh thần trở nên thư thái.
  • Nếu đi sâu vào rừng được nghe chim ríu lo và khám phá thế giới của các loài chim, cò trắng bay như tấm vải trắng khổng lồ phủ trên nền rừng xanh.

4. Kinh nghiệm phượt rừng tràm Trà Sư

Đường đi rừng tràm Trà Sư

Bản đồ đi rừng tràm Trà Sư từ Châu ĐốcBản đồ đi rừng tràm Trà Sư từ Châu Đốc

Từ Châu Đốc đi rừng tràm Trà Sư:

Xuất phát từ Châu Đốc: Du khách đi theo tuyến đường Tân Lộ Kiều Lương nối tiếp với Quốc lộ 91. Khi đi qua Cầu Trà Sư của thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên thì rẽ trái theo kênh Trà Sư thêm vài km nữa là tới Rừng tràm Trà Sư.

Xuất phát từ trung tâm Long Xuyên:

Du khách đi dọc theo Quốc lộ 91 về Châu Đốc, sau đó đi tiếp theo tuyến đường trên là có thể tới Rừng tràm Trà Sư.

Từ Cần Thơ đi rừng tràm Trà Sư:

Từ Cần Thơ đến An Giang dài khoảng 117 km, bạn có thể đến đây bằng phương tiện cá nhân hoặc đến bến xe Cần Thơ bắt xe đi Long Xuyên hoặc Châu Đốc, trung bình mỗi ngày có khoảng 4 chuyến các nhà xe chạy tuyến này như: Xe Vạn Khoa Nguyên, Xe Phương Trang; thời gian di chuyển trên chặng khoảng 3 giờ.

Từ TP Hồ Chí Minh đi rừng tràm Trà Sư:

Du khách có thể đi đến An Giang bằng phương tiện cá nhân hoặc mua vé xe khách tại Bến xe Miền Tây đi Long Xuyên hay Châu Đốc với giá trung bình từ 200.000 – 300.000 VND/lượt, quảng đường khoảng 250km thời gian di chuyển mất khoảng 4 giờ.

Các hãng xe uy tín chạy tuyến này: Xe Thảo Nguyên, Xe Hiệp Thành, Xe Lý Thành Đạt, Xe Liên Hưng, Xe Huệ Nghĩa, Xe Phương Trang, Xe Thiên Hương, Xe Hùng Cường – An Giang, Xe Trọng Tín Limousine…

Vé tham quan rừng tràm Trà Sư

Nơi bán vé tham quan Rừng Tràm Trà SưNơi bán vé tham quan Rừng Tràm Trà Sư

Giá vé vào cổng tham quan là 100.000đ/người.

Giá vé đi tắc ráng tham quan bên trong: 50.000đ/người (Khu vực riêng tắc ráng).

Giá vé đi xuồng bá lá tham quan bên trong: 50.000đ/người (Khu vực riêng xuồng ba lá).

Combo trọn gói tour: 190.000đ/người (Đi tàu xuồng và vé tham quan).

(Đây là chi phí đi cho 1 người, bạn đi càng nhiều người giá vé sẽ càng rẻ hơn).

Lưu ý: Bạn đi tắc ráng vào bên trong trung tâm thì có đoạn đường riêng dành cho chèo xuồng ba lá. Du khách có thể đi cả 2 phương tiện 2 đoạn đường riêng. Khuyến khích bạn trải nghiệm cả 2 loại tàu này để tham quan. Bạn sẽ trải nghiệm những điều khác lạ và thú vị từ 2 loại tàu thuyền này.

Hướng dẫn đi trong rừng tràm Trà Sư:

Thuyền máy trong rừng Tràm Trà SưĐoàn khách Gonatour lên thuyền máy tham quan rừng Tràm Trà Sư

Để tham quan khám phá rừng tràm, đầu tiên bạn sẽ đến bến tàu mua vé, thuê một chiếc tắc ráng (Phương tiện di chuyển giống như những chiếc xuồng, thuyền bằng máy). Bến thuyền là nơi lý tưởng cho các bạn chụp ảnh sống ảo với kiến trúc tổ chim bồ câu trên cao được thiết kế độc đáo.

Tắc ráng (Xuồng máy) là một phương tiện thú vị khám phá rừng tràm Trà Sư, bạn tha hồ đắm chìm cảnh mênh mông sông nước, tận hưởng sự mát mẻ của thiên nhiên rừng tràm. Đồng thời, giúp bạn tiết kiệm được một đoạn đường mà không mất khá nhiều thời gian và công sức đi bộ.

Đặc biệt khi bạn đi đoạn đường chèo xuồng ba lá, đoạn đường rất thơ mộng và khá đẹp để tận hưởng nhịp sống chậm rãi và bình yên của rừng tràm. Khi đi xuyên qua những bèo nước với rừng tràm hai bên, ngắm nhìn những chú chim cò đang đi kiếm ăn bạn cảm nhận hết sự gần gũi, mộc mạc miền sông nước này.

Các điểm nhấn trong rừng Tràm:

điểm tham quan rừng tràm trà sưĐiểm tham quan rừng tràm trà sư

Đường cầu tre: đây là đoạn cầu tre vạn bước với chiều dài lên đến 10km gồm nhiều đoạn nối liền nhau. Nó cũng được xác nhận vào sách kỷ lục Việt Nam là cầu tre lớn nhất. Là đoạn đường nối từ cổng vào bên trong bến tàu, từ khi đưa vào khai thác, cây cầu tre đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của khu rừng tràm, thu hút rất nhiều sự quan tâm của du khách bỡi nét duyên dáng và tính độc đáo của công trình

Tháp quan sát: được trang bị kính viễn vọng có tầm nhìn xa 25km, có thể quan sát chi tiết từng vị trí của những chú chim cò. Từ việc kiếm ăn đến nhưng phút giây ở trên tổ chim. Tháp quan sát nằm giữa trung tâm, tháp cao 14m đứng từ trên cao quan sát cả rừng tràm Trà Sư.

Chiếc xuồng chèo tay: giúp đi sâu vào tận ngóc ngách của rừng tràm, len lỏi giữa những con rạch nhỏ, Đi sâu vào bên trong khu rừng tràm xem nhiều loài chim quý hiếm trú ngụ.

Khám phá rừng Tràm Trà Sư chi tiết

Lên tắc thuyền (tắc ráng) xuyên qua những con rạch tiến thẳng vào bên trong. Du khách có thể thấy người dân địa phương thu hoạch mật ong hoa tràm dọc đường từ các thùng nuôi đặt trong rừng.

Xuyên qua con đường trên mặt nước kéo dài khoảng 3km sẽ đến với Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư. Tiếp tục đi bộ theo con đường nhỏ đi sâu vào bên trong.

Đến vùng lõi, chuyển từ chiếc tắc ráng sang một chiếc xuồng chèo tay len lỏi giữa những con rạch nhỏ, qua những tán tràm để đi vào tận ngóc ngách của rừng tràm, vượt qua những lớp bèo xanh phủ kín bề mặt và ngắm nhìn những bông hoa điên điển vàng rực cùng dãy tràm xanh mướt tạo nên một bức tranh thiên nhiên tươi đẹp. Đi sâu vào bên trong khu rừng tràm Trà Sư sẽ được tận mắt nhìn thấy rất nhiều loài chim quý hiếm trú ngụ.

Khi đã khám phá xong bên trong khu rừng, qua Vọng gác quan sát để chiêm ngưỡng toàn bộ rừng tràm rộng bao la bằng kính viễn vọng có tầm nhìn xa 25km. Từ đây bạn có thể nhìn thấy thấp thoáng những ngôi làng của đồng bào Khmer và Kinh sinh sống.

Sau đó đến Cây cầu tình yêu dài hàng trăm mét len lỏi giữa khu rừng tĩnh lặng, xanh ngát đang là điểm nhấn hấp dẫn của rừng tràm Trà Sư. Cây cầu tre tập hợp tất cả các loại tre Việt Nam ở mọi miền đất nước, nhà đầu tư quyết tâm xây dựng công trình đạt kỷ lục Giuness “cầu tre vạn bước” xuyên rừng tràm Trà Sư để phục vụ du khách.

Đi lang thang vào vùng lõi trên chiếc cầu tre duyên dáng uốn lượn, du khách sẽ tận hưởng được cảm giác thời gian như trôi chậm lại để hòa mình vào thiên nhiên. Mạng lưới giao thông “Tre” được trang trí như những cung đường hoa tuyệt đẹp len lỏi qua từng hàng tràm cổ thụ. Không khói bụi, không ô nhiễm tiếng ồn, không bê tông cốt thép, vạn nhịp cầu tre như cánh tay nối dài làm bệ đỡ cho tài nguyên Trà Sư sinh trưởng nhanh hơn.

Với bầu không khí trong lành tràn ngập tiếng chim kêu, Trà Sư thích hợp với du khách muốn trốn khỏi thành phố ồn ào, bụi bặm để tìm về với thiên nhiên, đem đến cho bạn một chuyến du lịch An Giang nhiều trải nghiệm và thú vị.

Ăn gì ở Rừng Tràm Trà Sư ?

Món ăn bên trong rừng tràm Trà Sư là sư pha trộn tuyệt vời của những món ăn rừng rậm và miệt vườn miền Tây

Tại khu vực nhà hàng với các chòi lá nhỏ để thưởng thức những món ăn ngon, đặc sản hấp dẫn ở rừng tràm Trà Sư như: Lẩu lươn, lẩu ếch, lẩu rắn, cá lóc nướng, gà nướng tẩm mật ong, lẩu cua đồng, lẩu cá kèo, cá kèo nướng muối ớt, tôm sú nướng, lẩu cá linh bông điên điển… Trong đó nổi tiếng nhất vẫn là món chuột đồng nướng muối ớt, cá lóc nướng trui, gà nướng mật ong hoa tràm.

Sản vật từ rừng Tràm làm quà

Mật ong rừng Tràm: Loại mật này có giá từ 400.000 đồng đến hơn 500.000 đồng mỗi lít tuỳ chất lượng.

Giá trị của Mật ong rừng đến từ tự nhiên, từ phấn hoa của nhiều loại hoa khác nhau và các giá trị dinh dưỡng của nó sau khi đã chuyển hóa thành mật ong, và Quá trình lấy mật ong rừng cũng vất vả, khó khăn không kém.

Mật ong rừng tràm Trà Sư nguyên chất là một đặc sản quý hiếm, thơm ngon, có nhiều công dụng đặc biệt cho sức khỏe, làm đẹp cũng như ẩm thực trong cuộc sống hàng ngày.

Tour Rừng Tràm Trà Sư 1 ngày

Cầu gỗ tình yêu rừng Tràm Trà SưCầu gỗ tình yêu rừng Tràm Trà Sư

Tóm tắt Tour rừng tràm trà sư

07:00-07:15 Đón khách.

07:30-12:00 Tham quan rừng tràm trà sư

12:00 – 13:30: Ăn trưa trong rừng tràm

14:00-17:00 Tham quan Miếu Bà Chúa Xứ và lăng Thoại Ngọc Hầu. Kết thúc tour.

Chương trình chi tiết:

07:00-07:15 Đón khách

07h15: Khởi hành tham quan Rừng Tràm Trà Sư “con đường nước”, nơi được xem là khu bảo tồn hệ sinh cảnh tự nhiên tiêu biểu và độc đáo nhất của hệ sinh thái đất ngập nước ở vùng đồng bằng ven sông Cửu Long.

08h00: Đến bìa rừng Trà Sư, quý khách di chuyển bằng “tắc ráng” xuyên rừng Tràm Trà Sư. Đoàn sẽ được len lỏi giữa những đầm sen hương thơm ngạt ngào, những dãy bèo xanh thẫm, tiếp tục quý khách còn được trải nghiệm ngồi “xuồng ba lá” tham quan khu vực cò, vạc làm tổ đẻ trứng rất thú vị.

Đến tháp canh, đoàn có thể ngắm nhìn toàn cảnh của rừng tràm bạt ngàn, những đàn chim cò thẳng cánh bay lượn tự do.

rưa: Đoàn dùng cơm trưa với những món ăn dân dã – cá lóc nướng, chuột chiên nước mắm, gà nướng mật ong, canh chua cá lóc, lẩu mắm… Quý khách nghỉ ngơi tự do.

13h00: Rời Châu Đốc quý khách tiếp tục di chuyển đến Tri Tôn, quý khách sẽ bắt gặp những đồng lúa “cò bay thẳng cánh” theo mô hình cánh đồng mẫu lớn của An Giang. Và những cánh đồng Thốt Nốt mang đậm nét đặc trưng của đồng bào Khmer Nam Bộ.

13h30: Đoàn khởi hành đến TP.Châu Đốc tham quan và viếng:

Miếu bà chúa Xứ – Trung tâm hành hương lớn tại Miền Tây được biết đến với lễ hội Vía Bà Chùa Xứ Núi Sam (24/04 Al) được công nhận lễ hội cấp quốc gia vào năm 2001 . Quý khách có thể cầu an cho gia đình, người thân.

Lăng Thoại Ngọc Hầu – Sơn Lăng một trong những vị khai quốc công thần triều Nguyễn – vị tướng có công mở mang bờ cõi phía Tây Nam tổ quốc.

Chùa Hang – Phước Điền Tự: Có lịch sử hơn 100 năm tuổi, là một trong bốn di tích văn hóa lịch sử của núi Sam, được bộ Văn hóa xếp hạng.

17h00: Đoàn chia tay. Kết thúc Tour Rừng Tràm Trà Sư 1 ngày

Theo Sở Văn hóa - Thể thao& Du lịch An Giang, sắp tới rừng tràm sẽ có nhiều hoạt động hấp dẫn du khách như bơi thuyền kayak khám phá, câu cá giải trí, trải nghiệm nuôi và thu hoạch mật ong dưới tán rừng. Bên cạnh đó, còn tham quan và mua sắm tại khu sản xuất sản phẩm mỹ nghệ từ tràm, tham gia thu hoạch các sản vật từ rừng, trải nghiệm ngủ tại rừng và tham gia các trò chơi dân gian tại khu cắm trại.

Đối với những ai yêu thích vẻ đẹp của thiên nhiên hoang dã thì rừng tràm Trà Sư sẽ là sự lựa chọn lý tưởng, bài viết Rừng Tràm Trà Sư ở đâu, kinh nghiệm phượt rừng tràm Trà Sư giúp du khách đến với khu du lịch rừng Tràm Trà Sư, đặc biệt là mùa nước nổi, để cảm nhận trọn vẹn sự yên bình và nên thơ của sông nước miền Tây Nam bộ.

>> Xem thêm:

Ý kiến bạn đọc