Tử Cấm Thành là một công trình kiến trúc mang tính lịch sử còn sót lại ở Thủ đô Bắc Kinh Trung Quốc. Tử Cấm Thành là nơi, bạn sẽ cảm nhận được một sự uy nghiêm và trang trọng, gắn liền với các dấu mốc lịch sử Trung Hoa. Chính vì thế, Cố Cung Bắc Kinh hàng năm thu hút tới hàng triệu du khách ghé thăm.
Tử Cấm Thành
1. Tử Cấm Thành – Cố Cung bí ẩn của Trung Hoa
- Địa chỉ: Số 4 Cảnh Sơn, Đông Thành, Bắc Kinh
- Giờ mở cửa: 8h30 - 16h30 (trừ Thứ Hai)
- Tử Cấm Thành hay còn được gọi là Cố Cung ở Bắc Kinh. Đây từng là nơi ở của vua chúa, hoàng tộc trong thời phong kiến của Trung Quốc. Tử Cấm Thành là cung điện của 24 triều vua từ giữa nhà Minh đến cuối nhà Thanh.
- Cung điện của Tử Cấm Thành được khởi công xây dựng vào năm thứ 4 đời vua Vĩnh Lạc và hoàn thành sau đó 14 năm (năm 1920).
- Cung điện Tử Cấm Thành Trung Quốc được đánh giá là một trong những cung điện hoàng gia được bảo tồn tốt nhất ở Trung Quốc. Đây cũng là một trong những cung điện lâu đời nhất trên thế giới.
- Không những thế bên trong Tử Cấm Thành còn có một bảo tàng trưng bày hơn 1,7 triệu cổ vật thuộc các triều đại phong kiến đủ để giữ chân những ai đam mê về lịch sử Trung Hoa.
- Vào năm 1987, Tử Cấm Thành đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới với vai trò là “Hoàng cung các triều đại Minh Thanh”. Hiện Tử Cấm Thành thuộc quyền quản lý của Bảo tàng Cố cung.
2. Lịch sử Tử Cấm Thành Trung Quốc
- Vào năm 1403, Chu Đệ chiếm ngôi của Minh Duệ Đế và rời đô từ Nam Kinh đến Bắc Bình (Bắc Kinh hiện tại). Đến năm 1406, Chu Đệ cho xây dựng Tử Cấm Thành với hơn 1 triệu nhân công cùng rất nhiều nghệ nhân nổi tiếng trong suốt 14 năm.
- Vào tháng 4 năm 1644, nhà Thanh lật đổ nhà Minh và đốt Tử Cấm Thành. Từ năm 1645 - 1660 nhà Thành mới xây dựng lại các công trình bị phá huỷ: Ngọ Môn, Thiên An Môn, điện Bảo Hoà, Cung Càn Thành, Cung Khôn Ninh,...
- Năm 1735, Càm Long lên ngôi và cho xây dựng thêm ngày càng rộng lớn trong 60 năm tại vị. Nơi đây là nhà của 24 vị hoàng đế (14 nhà Minh, 10 nhà Thanh).
3. Ý nghĩa của Tử Cấm Thành
- Tên gọi Tử Cấm Thành vốn xuất phát từ chữ "Tử" trong Tử Vi cung hay là Thiên Tử với ý nghĩa là con trời. Vì nơi ở của Thiên đế là Tử Vi cung nên nơi ở của con trời cũng được thêm chữ "Tử". Còn "Cấm Thành" có nghĩa là khu thành nghiêm cấm dân thường ra vào.
- Thực tế, Tử Cấm Thành vẫn cho người thường ra vào, tuy nhiên theo quy định chỉ có 6 loại người dưới đây mới có thể ra vào theo thời gian và nơi quy định:
- Đàn ông: Chỉ có quân nhân dọn tuyết, người đưa than hoặc đưa hoa.
- Phụ nữ: Vú nuôi của hoàng tử, công chúa, bà đỡ hoặc nữ lang y.
4. Quá trình xây dựng Tử Cấm Thành
- Tử Cấm Thành được xây dựng hoàn chỉnh trong 14 năm, huy động lên tới trên triệu công nhân, nhiều vật liệu gỗ quý từ các khu rừng phía tây nam của Trung Quốc. Đặc biệt nguyên liệu chính là đá cẩm thạch được khai thác từ mỏ đá nằm gần Bắc Kinh. Khởi công từ năm 1406 đến 1420, công trình mới cơ bản hoàn thành.
- Tuy nhiên đến tháng 5 năm sau, Tử Cấm Thành Trung Quốc đã bị một trận sét thiêu cháy 3 điện lớn bên ngoài. Cho tới 1440, vua Minh Anh Tông mới tiến hành cải tạo và xây dựng thêm điện Càn Thanh.
- Tới năm 1557, một trận hỏa hoạn tiếp tục xảy ra làm 2 tiền điện của Cố Cung bị phá huỷ. Cho tới năm 1627, công trình mới được khôi phục, hoàn thiện.
Tử Cấm Thành
5. Sơ đồ chi tiết của Tử Cấm Thành
- Tử Cấm Thành được phân chia làm 2 phần, gồm ngoại đình và nội đình.
- Ngoại đình hay gọi cách khác là Tiền triều. Đây là nơi tiến hành các đại lễ, thiết kế bên trong với các quần thể kiến trúc vô cùng vĩ đại như Bảo Hoà Điện, Thái Hòa Điện,...
- Nội đình chính là hậu cung, đây là nơi ở của các vị hoàng đế, hoàng thế tử, cũng là chốn để tiếp kiến các quan thần và giải quyết công việc.
Bản đồ Tử Cấm Thành
6. Kiến trúc của Tử Cấm Thành
- Bước chân vào Tử Cấm Thành, du khách như được du hành thời gian, trở về thời đại lừng lẫy một thời.
Kiến trúc tổng thể
- Thiết kế Tử Cấm Thành đều được lên bản vẽ tỉ mỉ đến từng chi tiết phản ánh nét đặc sắc văn hóa Á Đông. Trên hết là thể hiện quyền lực, tôn nghiêm của một triều đại phồn thịnh đã qua. Sự kết hợp tinh tế giữa màu vàng từ long bào Hoàng đế và màu xanh lá cây của gỗ tượng trưng cho sự thịnh vượng của đế chế đương thời.
- Tử Cấm Thành được xây dựng theo một khối hình chữ nhật bao quanh thành. Những bức tường kiên cố này đã tạo nên cho Tử Cấm Thành một trận địa nghiêm ngặt. Tất cả được bảo vệ bởi 4 góc thành và 4 mặt tường thành chính gồm 4 cổng chính thông ra ngoài thành như: Thần Vũ môn, Đông Hoa, Tây Hoa môn, Ngọ môn.
- Tử Cấm Thành có tổng cộng 9.999 gian phòng trên diện tích 720.000 mét vuông. Sở dĩ có con số như thế là do hoàng đế Trung Hoa quan niệm rằng: Chỉ có Ngọc hoàng mới là đấng tối cao duy nhất sở hữu 10.000 gian phòng. Bên cạnh đó, người Trung Quốc luôn xem con số 9 là con số may mắn, mang đến sự viên mãn, thịnh vượng.
Kiến trúc đối xứng Nam Bắc hài hòa
- Tất cả các cổng và sảnh của Tử Cấm Thành được bố trí đối xứng trên một trục trung tâm dọc từ hướng Bắc xuống Nam. Ý nghĩa của lối kiến trúc này thể hiện quyền lực tối cao của Hoàng đế.
Mái điện được trang trí tinh xảo
- Mái điện của các công trình ở Tử Cấm Thành được trang trí một cách tinh xảo. Những linh vật trên mái điện được lựa chọn một cách cẩn thận để phù hợp với yếu tố hoàng gia, điển hình nhất là rồng, phượng và sư tử. Những con vật này đều tượng trưng cho quyền lực của văn hóa Trung Hoa.
Tượng sư tử bằng đồng, đá mang biểu tượng sức mạnh
- Trong khu vực của Tử Cấm Thành có trang trí nhiều tượng sư tử bằng đá hoặc đồng. Trong văn hóa Trung Quốc, sư tử là biểu tượng cho sự hùng dũng, mạnh mẽ. Loài vật này cũng là vua của muông thú.
- Các tượng sư tử thường được đặt trong các cổng điện như thể hiện rằng đây là linh thú bảo vệ hoàng gia. Sự sắp xếp tượng sư tử ở Tử Cấm Thành cũng có ngụ ý riêng. Tượng sư tử đực sẽ ở bên phải và tượng sư tử cái sẽ ở bên trái.
7. Khám phá các cung trong Tử Cấm Thành
Cổng Ngọ Môn - Tử Cấm Thành
- Cổng Ngọ Môn là cổng thành ở phía Nam, được xây dựng vào năm 1420, có 5 cửa. Cửa chính là một phần trong con đường Đế Vương - con đường chỉ dành cho hoàng đế đi lại. Phần trên của Ngọ Môn là lầu các rộng 9 gian và sâu 5 gian.
Điện Thái Hòa uy nghiêm
- Điện Thái Hòa là công trình quan trọng nhất trong Tử Cấm Thành. Bước vào điện, bạn phải đi qua cửa lớn. Phía trước Điện Thái Hòa có 7 gian dựng trên một nền đá cao. Hai bên của gian có tượng sư tử bằng đồng để tôn thêm vẻ đẹp uy nghiêm của vương triều và thể hiện dấu ấn Á Đông trong kiến trúc.
- Ngôi điện này cũng được xem là nơi quan trọng nhất của Tử Cấm Thành. Vào thời nhà Minh, nơi đây sẽ diễn ra những buổi thiết triều và bàn luận chính sự. Khi tới thời nhà Thanh điện Thái hòa chỉ còn được sử dụng để tổ chức nghi lễ.
Cung Càn Thanh được thiết kế tinh xảo
- Cung Càn Thanh được thiết kế một cách khá tinh xảo. Cung điện này được xây dựng trên nền đá cẩm thạch cùng 2 lớp mái ngói lưu ly từ của ở phía Nam nhìn thẳng lên.
- Cung Càn Thanh khá rộng lớn và được chia làm hai phần. Mỗi phần gồm 9 phòng và 27 chiếc giường. Vào mỗi đêm, Hoàng đế sẽ chọn ngẫu nhiên một chiếc giường để tự do nghỉ ngơi.
- Tuy nhiên, vào thời vua Ung Chính, ông không muốn tiếp tục sống trong cung điện xa hoa này nữa. Sau đó, ông chuyển sang Dưỡng Tâm Điện ở phía Tây. Kể từ đó, Cung Càn Thanh trở thành nơi thiết triều, xét xử và đón tiếp sứ thần cũng như tổ chức các buổi yến tiệc.
- Trong cung Càn Thanh có ngai vàng của Hoàng đế được thiết kế và chạm trổ một cách tinh xảo. Ngoài ra, trong thư phong còn có chiếc bàn các Hoàng đế dùng viết các chiếu chỉ cũng như phê duyệt công văn. Trên trần của Cung Càn Thanh có hình rồng uốn lượn được chạm khắc một cách tinh tế.
Cung Khôn Ninh với những câu chuyện kỳ bí
- Cung Khôn Ninh là một trong 3 cung điện chính ở khu Hậu Cung của Tử Cấm Thành. Cung điện này được xây dựng vào năm 1420 và được tu sửa nhiều lần trong triều đại Minh Thanh. Cung Khôn Ninh là cung điện dành cho các hoàng hậu trong Tử Cấm Thành với quy mô khá rộng lớn.
- Cung Khôn Ninh từng là nơi ở chính của hoàng hậu trong thời nhà Minh. Tuy nhiên, đến thời Thanh, các hoàng hậu đã chuyển sang Dưỡng Tâm Điện để ở cùng hoàng đế. Nơi này còn là địa điểm làm lễ động phòng và cũng là điện tế thần.
Dưỡng Tâm Điện
- Dưỡng Tâm Điện được xây dựng vào thời Nhà Thanh và dùng để làm thư phòng của Hoàng đế đương triều. Từ thời vua Ung Chính trở đi, Dưỡng Tâm Điện vừa là thư phòng, vừa là phòng họp bàn triều chính hàng ngày cũng là nơi nghỉ ngơi của nhà vua. Có thể nói, đây là cung điện có nhiều chức năng nhất trong Tử Cấm Thành.
Ngự Hoa Viên
- Xem phim cổ trang Trung Quốc chắc hẳn bạn sẽ quen với ngự hoa viên. Nơi đây thường là chỗ để các phi tần gặp gỡ, tản mạn, ngắm hoa, trò chuyện. Với diện tích lớn trên 11.000m2, xung quanh sẽ có những cây cổ thụ lên tới hàng trăm năm tuổi. Được đắm chìm trong một không gian xanh mát và trong lành thì còn gì thích hơn nữa.
- Ngự Hoa Viên là địa điểm nằm ở phía sau cùng của Tử Cấm Thành. Ngự Hoa Viên được xây dựng vào năm 1417. Nơi đây sở hữu cảnh sắc thiên nhiên ngập tràn cùng vẻ đẹp nguy nga, tráng lệ.
- Ngự Hoa Viên được trồng những loại cây cảnh vô cùng quý hiếm cùng các cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Vì thế, không gian nơi đây có nhiều bóng mát và khá dễ chịu.
- Bên trong Ngự Hoa Viên còn có các hạng mục như vọng lâu, đình, đài để nhà vua có thể thư giãn bằng những cách như đọc sách, ngâm thơ, ngắm trăng.
Tử Cấm Thành
8. Tại sao du khách phải rời khỏi Tử Cấm Thành vào lúc 5 giờ chiều ?
- Có tới 4 giả thuyết về chuyện Tử Cấm Thành yêu cầu du khách ra về trước 5 giờ chiều.
- Đầu tiên, Tử Cấm Thành có quá nhiều âm khí. Có giai thoại nói rằng, Tử Cấm Thành là nơi diễn ra nhiều tội ác, hậu quả từ các cuộc cung đấu, nhiều phi tần, cung nữ và thái giám bị giết hại. Thậm chí nhiều người còn khẳng định vào buổi tối ở Tử Cấm Thành thường có tiếng nhạc kỳ quái phát ra từ trong các cung điện.
- Thứ hai, Tử Cấm Thành không có người canh gác. Một câu chuyện khác được truyền miệng về Tử Cấm Thành là sau 5 giờ chiều sẽ đóng cửa khiến cho nội bất xuất ngoại bất nhập. Người ta đã huấn luyện rất nhiều đàn chó canh giữ ở đây từ tối đến sáng.
- Thứ ba, liên quan tới sự việc từng xảy ra cách đây 64 năm. Vào ngày 16 tháng 8 năm 1959, khi bảo vệ Tử Cấm Thành đi tuần tra như thường lệ thì bất chợt phát hiện việc bất thường. Ở khu trưng bày bảo vật, họ thấy cửa sổ bị phá vỡ, một số cổ vật bên trong biến mất. Sau khi kiểm kê, họ thấy rằng cuốn sách quý của một trong những hoàng hậu của Khang Hi. Ngoài ra còn có đồ đính hôn, thư của hoàng đế Càn Long cũng không cánh mà bay. Cảnh sát đã vào cuộc điều tra và bắt được thủ phạm thông qua dấu vân tay hắn để lại ở hiện trường. Người này khai rằng, sau khi tham quan ở Tử Cấm Thành, tới phòng trưng bày cổ vật thì bất chợt nảy ý định muốn ăn trộm đồ. Sau đó, người này bị bắt giam.
- Thứ tư, sự xuống cấp của Tử Cấm Thành. Tử Cấm Thành có tổng diện tích lên tới 720.000 m2 với hơn 70 cung điện lớn nhỏ. Trong hệ thống cung điện này có tới 9.999 căn phòng. Một số nơi đã xuống cấp, chưa được tu sửa nên việc du khách tự ý đi vào mà không có hướng dẫn viên có thể khiến họ gặp nguy hiểm.
- Do đó, để bảo vệ các di tích văn hóa và khách du lịch, Tử Cấm Thành đưa ra quy định đóng cửa vào lúc 5h chiều hàng ngày.
9. Lãnh cung của Tử Cấm Thành nằm ở đâu ?
- Hoàng đế Trung Hoa xưa kia vốn có nhiều phi tần. Theo Sina, một vị Hoàng đế trung bình có từ 70 đến hàng trăm thê thiếp, nhưng chỉ một số ít được sủng ái và lên vị trí cao. Những người còn lại hoặc bị lãng quên, hoặc phạm phải tội nào đó mà bị đày vào lãnh cung hay hàn cung.
- Hình phạt đáng sợ nhất với phi tần hoặc cung nữ do Hoàng đế giáng xuống là bị đày vào lãnh cung. Các lý do khiến họ phải vào đây rất nhiều, nhưng về cơ bản, khi vào lãnh cung, tất cả đều bị cô lập với thế giới bên ngoài.
- Theo mô tả, lãnh cung vốn là chốn quanh năm lạnh lẽo bởi từng rất nhiều người bỏ mạng tại đây. Ngay cả cung nữ và thái giám nếu không có nhiệm vụ cũng không dám bén mảng qua lại.
- Do lâu ngày không được quét dọn và thiếu bóng người, những vị chủ nhân của lãnh cung nếu không chết vì bệnh tật, cũng chọn cách tự vẫn vì không chịu nổi cảnh cô quạnh. Bởi vậy mới nói, cuộc sống nơi lãnh cung không khác gì cầm tù.
- Trên thực tế, trong hoàng cung của các triều đại không có nơi nào có tên "lãnh cung". Địa danh này chỉ là hư cấu. Trong văn học thời nhà Nguyên (1271-1368), từ "lãnh cung" lần đầu tiên xuất hiện. Thời đó trong các vở kịch có lời thoại như "nhốt vào lãnh cung".
- Đến nhà Minh (1368-1644) trong một tác phẩm cổ cũng nhắc tới từ lãnh cung. Bởi vậy, lãnh cung không phải là một cung điện cụ thể, mà chỉ đơn giản là khu vực giam giữ các phi tần bị thất sủng.
- Dưới thời nhà Thanh, Hoàng đế Càn Long nói kế hoàng hậu bị phát điên nên hạ lệnh đưa vào "Dực Khôn Cung dưỡng bệnh". Kế hoàng hậu vào đây không được phép gặp ai, nên lúc này Dực Khôn Cung trở thành lãnh cung.
- Tương tự, Từ Hi thái hậu giam lỏng vua Quang Tự ở Doanh Đài. Điều này đồng nghĩa với việc Hoàng đế thứ 11 của nhà Thanh bị đẩy vào lãnh cung.
- Dưới thời các triều đại, nhìn vào vị trí và cách trang hoàng từng cung điện sẽ biết chủ nhân được vua sủng ái hay không.
- Thời nhà Minh và Thanh, phi tần ở Tử Cấm Thành sống trong 12 viện thuộc lục cung (6 cung) phía Đông và Tây. Hoàng hậu ở Khôn Ninh Cung. Cung điện này nằm ở vị trí trung tâm thuộc trục chính của hoàng cung. Điều này cho thấy vị thế của "Mẫu nghi thiên hạ".
- Nhưng tới thời vua Ung Chính (1678-1735) của nhà Thanh, Hoàng hậu không ở Khôn Ninh cung nữa mà chỉ còn các cung ở phía Đông và phía Tây.
- Phi tử nào được sủng ái sẽ làm chủ một cung điện, còn phi tử chưa được Hoàng đế thị tẩm sẽ xếp ở cùng nhau trong một cung điện khá lạnh lẽo.
- Cảnh Dương cung thuộc Đông cung là nơi đầu tiên thành lãnh cung. Vào thời nhà Minh, Vương thị, mẹ của Minh Quang Tông - vị Hoàng đế thứ 15 của nhà Minh từng bị giam lỏng ở đây. Nhưng tới thời nhà Thanh, Cảnh Dương cung không phải là lãnh cung nữa mà trở thành nơi để sách.
- Thời nhà Thanh, lúc mới vào cung, Từ Hi thái hậu ở Trữ Tú cung. Đây cũng là nơi bà sinh ra Hoàng đế Đồng Trị. Nhưng sau khi làm thái hậu, bà chuyển sang sống ở Trường Xuân cung. Một số phi tử được sủng ái của Hoàng đế cũng từng ở Trường Xuân cung.
- Trên thực tế, Trường Xuân cung cũng từng là lãnh cung. Lý Thành phi, phi tử của Thiên Khải đế - vị Hoàng đế thứ 16 thời nhà Minh do đắc tội với Ngụy Trung Hiền nên bị mưu hại và giam lỏng trong cung này.
- Bởi vậy, các chuyên gia nhận định, nếu kém may mắn, nơi ở của các phi tần đều có thể trở thành lãnh cung bất cứ lúc nào.
10. Các tương truyền về Tử Cấm Thành
- Tử Cấm Thành đã tồn tại qua rất nhiều triều đại khác nhau và trong ngần ấy năm tháng biết bao cuộc đấu đá tranh giành quyền lực, sự sủng ái của vua, quan, các phi tần và thậm chí cả các cung nữ, thái giám đều đã diễn ra ở đây. Nhiều người đã phải chịu cảnh chết trong oan ức ở chốn cung đình hùng vĩ này. Và có lẽ vì thế nên nơi này bị đồn có các chuyện ma quỷ diễn ra khi trời chuyển tối.
- Nhiều người kể từng chứng kiến các sự kiện kỳ quái diễn ra tại Tử Cấm Thành khi hoàng hôn buông xuống. Ví dụ như vào một buổi chiều năm 1995, hai người lính đứng canh giữ tại Tử Cấm Thành kể lại đã bắt gặp một cung nữ... không có mặt. Có du khách đã từng gặp đoàn thái giám và cung nữ đi xuyên qua họ, hay là những tiếng đàn trong hậu cung phát ra mỗi dịp đến rằm...
- Nhưng tất cả những chuyện kể trên đều không ai chứng thực và chưa có khoa học vào cuộc, dù vậy dường như đó cũng chỉ là những lời thêu dệt truyền miệng, một cách để nơi này thêm gây tò mò, thu hút du khách mà thôi.
- Có một quy định rất kỳ lạ ở Tử Cấm Thành là dù vào bất cứ lúc nào trong năm, nơi này sẽ tiễn và không nhận bất cứ du khách nào cũng như đóng cửa sau 5h chiều mỗi ngày. Để lý giải cho chuyện này, mỗi người lại có một lý do riêng của mình.
- Có người cho rằng, vì về tối và đêm, Tử Cấm Thành sẽ trở nên lạnh lẽo, u ám bất kể là ngày lạnh hay nóng là do có âm khí nặng nề. Theo quan niệm của người Trung Quốc, ở những nơi có âm khí nặng thường khiến cho sức khỏe của con người bị ảnh hưởng. Thậm chí cả những người trong gia đình, nhất là người già và trẻ nhỏ bị liên lụy. Vì thế, Tử Cấm Thành đã quyết định đóng cửa sau 5h chiều và không phân bổ người trực đêm nữa.
- Đa số người dân Trung Quốc đều cho rằng trong Tử Cấm Thành thực sự có ma. Nếu như du khách không kịp ra ngoài trước khi đóng cửa thì họ cũng không thể ra ngoài.
Tử Cấm Thành
Tử Cấm Thành không chỉ là một công trình chứng kiến những thời khắc lịch sử của Trung Quốc mà còn mang giá trị văn hóa to lớn với người dân đất nước này. Tử Cấm Thành là một điểm đến du lịch với kiến trúc độc đáo mà bạn nên ghé thăm trong chuyến du lịch đến Bắc Kinh sắp tới. Nơi đây sẽ là điểm hẹn dành cho các tín đồ thích nghiên cứu văn hóa, lịch sử và kiến trúc.