Top 10 thương hiệu du lịch dẫn đầu Việt Nam
i-search

Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ: Trò chơi dân gian đậm nét Văn Hóa Việt

Thứ hai, 01/03/2021, 08:48 GMT+7

Bài Chòi là một sản phẩm văn hóa độc đáo của vùng đất Nam Trung Bộ. Do điều kiện môi trường sống, người chơi bài đã sáng tạo ra nhiều dạng thức chòi chơi bài ở những địa điểm khác nhau, tiện cho việc tháo dỡ khi chuyển vùng và chống thú dữ, lũ lụt,... Họ nghĩ ra cách hô, hát trên mỗi chòi, từ chòi này đối đáp qua chòi khác. Và, Bài Chòi được nảy sinh từ đó

Theo truyền thuyết, do nhiều nghệ nhân lão thành của tỉnh nhà, đơn cử như cụ Phan Đình Lang, tức nghệ sĩ Bốn Trang, sinh năm 1910, người phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, kể lại rằng: Lúc cụ còn trẻ, từng nghe ông nội, ông thân và nhiều bô lão truyền lại là chính Đào Duy Từ (1572 – 1634), người Thanh Hóa, vào lập nghiệp ở Bình Định, đã dựa theo mô hình sinh hoạt văn nghệ ở các chòi canh miền núi, sáng lập ra hội Bài chòi.

Bài Chòi

I. Bài Chòi là gì

Bài chòi là một trò chơi dân gian dân ra đời từ rất lâu ở duyên hải miền Trung Trung Bộ, là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với nhân dân lao động khi mỗi dịp Tết dến Xuân về. Đây vừa là loại hình nghệ thuật diễn xướng mang tính sáng tạo ngẫu hứng, vừa là trò chơi dân gian vui nhộn, đầy trí tuệ, ra đời từ nhu cầu liên lạc với nhau giữa các chòi canh trên nương rẫy, ở vùng trung du, rồi lan rộng đến các vùng nông thôn và ra cả miền biển.

Bài Chòi là hình thức chơi bài nhưng không mang tính sát phạt, ăn thua như ở sòng bài, mà chỉ để giải trí bằng hình thức đối đáp vui xuân. Người ta đến chơi Bài Chòi cốt để nghe hô Bài Chòi, thưởng thức giọng hô, hát, tài ứng đối và lối diễn trò của “Hiệu” (người hô, hát chính).

Ở Bình Định, từ xưa tới nay, thịnh hành ba hình thức Bài Chòi, gồm: Bài Chòi “truyện” có phông màn, có rạp che chắn; Bài Chòi “lớp”/”chiếu” thể hiện ngay trên chiếu, đi khắp các làng mạc miền quê và hội chơi Bài Chòi thường được trình diễn mỗi dịp xuân về.

Hội chơi Bài Chòi thường diễn ra ở sân đình làng hoặc những khoảng đất rộng, bằng phẳng, gần các khu dân cư, gần chợ, thuận lợi cho mọi người đi dự hội. Để chơi Bài Chòi, người ta dựng 9 hoặc 11 chòi bằng tre, nứa, lợp tranh như những chòi canh giữ rẫy, xếp theo hình chữ U. Chòi ở đáy chữ U gọi là chòi Cái. Người dẫn dắt cuộc chơi là các anh/chị Hiệu, ngồi ở chòi Cái. Họ rút con bài trong ống bài, giơ lên rồi hát những câu hát đố tên con bài ấy, gọi là Hô Thai. Người chơi mua 3 con bài, ngồi trên các chòi để đợi. Nếu cả 3 con bài trùng với những con bài mà anh/chị Hiệu xuớng tên thì thắng cuộc, được lĩnh thưởng, kết thúc một lượt chơi và sau đó, lượt chơi mới lại bắt đầu.

Bài chòiBài chòi là trò chơi dân gian ở miền trung

II. Lễ Hội Bài Chòi

Lễ hội Bài chòi: Nét văn hóa độc đáo của người miền Trung. Cứ mỗi dịp Xuân về, Tết đến trên mọi miền quê của đất nước Việt Nam lại có rất nhiều trò chơi, lễ hội diễn ra độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc. Ở miền Trung, Hội bài chòi được tổ chức trong không khí vui tươi, rộn rã. Người dân đánh bài chòi vào dịp đầu xuân vừa là để cùng gia đình, làng xóm vui chơi, giải trí; vừa để cầu may, cầu lộc đầu năm: “Đầu năm bói toán đâu xa/Bài Chòi một hội biết là rủi may”...

Tập tục đánh bài chòi trong Tết xưa người Việt là một trong những hoạt động văn hóa cộng đồng đầy giá trị mà không mang nặng tính đỏ đen, cờ bạc. Thông qua trò chơi này, bà con được nghe những câu hát ý nghĩa về quê hương, đất nước lưu truyền trong dân gian. Bên cạnh đó là được gặp gỡ, giao lưu và còn có những phần thưởng may mắn để mang đến niềm vui ngày đầu xuân. Bài chòi được phổ biến và là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với nhân dân lao động. Trong cuộc chơi, mọi người đều bình đẳng tuyệt đối như nhau, không phân biệt giàu - nghèo, trên - dưới, ai ai cũng có thể tham gia. 

Lễ hội Bài Chòi

III. Lời hát Bài Chòi

Tiếng trống hội rộn rã, những lời hô xướng, mời gọi mở hàng của anh Hiệu, chị Hiệu - là người hô Bài Chòi, thu hút sự chú ý mọi người tập trung về khu vực vườn tượng An Hội, bờ Tây sông Hoài, đô thị cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Sau lời hát mở màn, anh Hiệu và chị Hiệu hô hát giới thiệu các quân bài. Bộ Bài Chòi gồm có 30 lá chia thành 10 loại thẻ gỗ. Người chơi được vào ngồi trong những chòi nhỏ. Khi trống thúc liên hồi báo hiệu hội Bài Chòi bắt đầu thì mỗi người chơi Bài Chòi tay cầm 3 con bài do họ tự chọn.

Trao quà lưu niệm cho những người chơi Bài Chòi.

Lời hô hát Bài Chòi được truyền khẩu trong dân gian từ đời này qua đời khác, phản ánh tư duy, thẩm mỹ bình dân của cư dân nông nghiệp Trung bộ. Mỗi dịp Tết đến hay hội hè, người chơi Bài Chòi không chỉ để giải trí mà thích nghe lối hô hát Bài Chòi, đậm chất dân gian của các anh Hiệu, chị Hiệu. Có người chỉ tìm đến trò chơi Bài Chòi chỉ vì mê giọng hát, tài ứng biến dí dỏm của anh Hiệu.

Đến Đô thị cổ Hội An chơi Bài Chòi, người dân và du khách gần xa khá quen thuộc với anh Hiệu - Nguyễn Đáng, một người từng gắn bó với hô hát Bài Chòi từ những năm 1980. Với lối hô hát, diễn xuất duyên dáng, ứng biến linh hoạt, hài hước, ông Nguyễn Đáng được ví là một trong những người “giữ hồn” của Bài Chòi phố cổ.

 Theo ông Phùng Tấn Đông, người nhiều năm nghiên cứu văn hóadân gian Hội An và là soạn giả lời mới cho nhiều câu đối đáp Bài Chòi xứ Quảng, thì thể thức tổ chức hội Bài Chòi ở các tỉnh Nam Trung Bộ cơ bản giống nhau, chỉ khác có nơi dùng bộ bài 30 cặp thì phải dựng 10 chòi; có nơi như Bình Định dùng bộ bài 27 cặp thì chỉ cần dựng 9 chòi.

Sân chơi Bài Chòi thu hút đông đảo người dân và du khách.

Mỗi con bài có một tên, trừ một số ít tên nôm na, dễ hiểu như Học trò, Dái voi, Bạch huê, Thái tử... còn phần lớn nghe rất lạ tai như Ba gà, Bát bồng, Ngũ trưa, Nọc thược, Tứ cẳng, Tam quăng... Tên mỗi con bài đều có hai từ, phần lớn các từ đầu là từ chỉ số đếm, có khi là thuần Việt như Ba (gà), Bảy (liễu), Chín (gối), có khi là từ Hán Việt như Tam (quăng), Tứ (cẳng), Lục (chạng)...

Để gìn giữ nét độc đáo của nghệ thuật Bài Chòi, từ năm 1998, Trung tâm Văn hóa - Thể thao thành phố Hội An đã mở nhiều lớp đào tạo nhạc công, diễn viên hô hát dân ca, Bài Chòi. Năm 2004, thành phố Hội An bắt đầu đưa dân ca, Bài Chòi vào trường học. Và từ năm 2011 đến nay, địa phương này tiếp tục mở nhiều lớp dạy hát dân ca, Bài Chòi miễn phí cho trẻ em.

Lời hát bài chòi

IV. Cách chơi Bài Chòi cách tỉnh Miền Trung

• Bài chòi Bình Định

Làng xã nào muốn tổ chức cuộc chơi bài phải tìm đến những gánh bài chòi nổi tiếng, mới lôi cuốn được đông người tham gia và có thể kéo dài trong nhiều ngày. Vào thập niên 1930, ở vùng An Nhơn và Tuy Phước có gánh bài chòi Sáu Cóc được nhiều người hâm mộ hơn cả. Trong tỉnh có nhiều cô, chú Hiệu tài hoa, đến nay còn truyền tụng, như các chú: Bùng, Đốc, Kim, Kích, Miệt, Ngô Quang Thắng, Tuấn Phong, Tư Liên… và các cô: Đạm, Hương, Liễu, Nhảy…

Một gánh bài chòi có ban hô bài gồm một Hiệu chính và một hoặc hai Hiệu phụ, trong đó có đủ nam nữ thì diễn xuất mới linh hoạt. Ban nhạc thường chỉ gồm bốn người: một đàn cò, một kèn, một sanh, một trống chiến (nhỏ hơn trống chầu và lớn hơn trống tum, có dây mang trước ngực khi di chuyển).

Nơi tổ chức bài chòi thường ở sân đình, sân chùa hay sân chợ. Nói chung, nơi có khoảng đất trống, bằng phẳng và khô ráo. Người ta cất 9 chòi, xếp chung quanh hình chữ nhật, mặt quay vào sân chơi (xem hình 1).

Tám chòi nằm dọc theo hai cạnh dài hình chữ nhật, mỗi bên bốn chòi, đối diện tương ứng nhau từng cặp một. Chòi trung ương ở giữa cạnh ngắn hình chữ nhật. Cạnh bên kia, đối diện với chòi trung ương, là rạp Hội đồng, dành cho Ban tổ chức. Khoảng đất trống ở giữa là sân khấu trệt, lộ thiên, ngó ra bốn mặt, dành cho Hiệu múa hát và hô bài; rạp và các chòi đều quay mặt vào sân này.

Chòi được cất theo kiểu nhà sàn, chắc chắn, trang hoàng đẹp đẽ, nền sàn cao quá đầu người. Mái chòi lợp tranh, hay lá dừa để che mưa nắng. Nếu theo đúng kiểu chòi truyền thống, ba mặt đều che kín, chỉ chừa trống mặt trước, có thang lên xuống. Nếu để được thẩm mỹ, chòi chừa trống cả bốn mặt, nhưng phải có lan can ngăn ngừa té ngã. Mỗi chòi chứa được 4 hoặc 5 người. Trong chòi có một cái mõ và một khúc thân cây chuối hay bó rơm để người chơi găm con bài và cờ đuôi nheo. Chòi trung ương, lớn hơn các chòi thường một ít, dùng trống thay mõ và dành riêng cho các vị có chức tước hay uy tín trong làng muốn tham gia cuộc chơi; cũng có thể dành cho cặp vợ chồng mới cưới. Nhưng khi không có khách đặc biệt thì người dân thường vẫn có thể ngồi chòi này.

Rạp Ban tổ chức cũng có mái che mưa nắng, trang hoàng đẹp đẽ hơn. Các cột được bó lá ngâu hay lá đùng đình để tăng thêm vẻ trang trọng. Trọng rạp, kê một bộ phản ngựa rộng dành cho các hương chức và quan khách có địa vị ngồi. Đầu phản, đặt một trống chầu, dùng làm trống lệnh để Ban tổ chức điều khiển cuộc chơi. Bên cạnh bộ phản, có hàng ghế dành cho ban nhạc gánh bài chòi ngồi hòa âm.

Bài Chòi Bình Định

• Bài chòi Phú Yên

Ở Phú Yên, hội đánh Bài Chòi còn có một nét riêng mà không phải ở hội đánh Bài Chòi nơi nào cũng có. Đó là, ngoài những người mua thẻ và được ngồi trên các chòi, một số người khác cũng mua thẻ nhưng trải chiếu ngồi dưới đất (xung quanh các chòi) cùng tham gia đánh. Và, trong cuộc chơi, đôi khi xuất hiện cảnh Anh Hiệu và một chân bài nào đó trên chòi đối đáp với nhau, như trường hợp đánh Bài Chòi ở làng Long Thủy, xã An Chấn, huyện Tuy An. Còn một nét khác biệt nữa, là việc dâng tiền thưởng, không chỉ là hành động dâng tiền một cách đơn điệu, mà Anh Hiệu còn biểu diễn một vài làn điệu cổ, như xuân nữ, xàng xê, hò quảng,… để gửi những lời chúc an khang thịnh vượng, mua may bán đắt,… tới người trúng thưởng.

Sinh hoạt Bài Chòi là một loại hình văn hóa đặc thù của người dân miền Nam Trung Bộ nói chung, ở Phú Yên nói riêng và là nhu cầu giải trí của người dân sau một năm tất bật với mùa màng. Trong cuộc chơi, người thắng hay người thua đều được cười thỏa thích. Đó chính đó là phần thưởng tinh thần vô giá cho những ai tham gia vào hội đánh Bài Chòi. Tính đỏ đen, hơn thua không có chỗ đứng trong mỗi cuộc chơi, vì người chơi quan niệm, đánh Bài Chòi là để thử vận may đầu năm, chứ không phải đánh để sát phạt lẫn nhau. Vì thế, trong quá trình hô thai, Anh Hiệu thường hay ứng tác để lồng ghép vào cuộc chơi những câu thai có nội dung dí dỏm, đả kích, mỉa mai,… Trong Bài Chòi, ngoài tính chất giải trí, các câu thai còn có tác dụng giáo dục con người về đạo đức, nhân cách sống, tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu lứa đôi,…

Bài chòi Phú Yên

• Bài Chòi Hội An

Bài chòi vốn là nét văn hóa truyền thống đã đi vào hoài niệm, nhưng đến khi xuất hiện Đêm rằm phố cổ Hội An vào năm 1998 thì đến năm 1999, bài chòi đã được người địa phương Hội An phục hồi, tổ chức diễn xướng hàng đêm thu hút hàng trăm khách du lịch đến tham gia. Giờ đây, bài chòi Hội An dường như đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người phố hội và cả những du khách đến tham quan phố cổ.

Cứ vào chập tối, khi mặt trời vừa ẩn nấp sau đường chân trời, nhường chỗ cho màn đêm tối như mực cũng là lúc bạn sẽ thấy mọi người lại rộn ràng dừng chòi, kê ván để chuẩn bị hát bài chòi. Không chỉ được ngồi thưởng thức những màn hát đối đáp đặc sắc mà du khách đến có thể tham gia vào trò chơi. Cách thức “chơi” bài chòi cực kỳ dễ dàng, bạn chỉ cần tưởng tượng đang chơi lô tô là sẽ dễ hình dung ra, chỉ khác đôi chút ở chỗ ra hiệu bài hát.

Chị/ anh hiệu (là người hô hát) bắt đầu với những làn điệu dân ca Quảng Nam, mỗi trò chơi sẽ kéo dài từ 10-15 phút. Mỗi thẻ bài sẽ gồm có 3 lá, mỗi lá là một chữ. Thẻ bài mà người ta sử dụng chính là bộ bài Tam Cúc 27 cặp với các tên gọi rất dễ nhớ như là nhất trò, nhì nghèo, ba gà, tam quăng, tứ cảng. Một phân nửa sẽ bỏ vào ống cho người hô (người cầm trịch), một nửa sẽ chia ra thành 9 chòi, mỗi chòi gồm 3 lá. Với mỗi lá bài được rút ra, người nào trúng lá ấy thì hô lên, nếu trúng 3 lá thì sẽ là người chiến thắng.

Bản chất bài chòi là trò chơi bài của dân gian xen với ca múa do tài anh Hiệu ứng chế, đồng thời có sự cộng tác, đối thoại một cách tự nhiên giữa người hô và người tham gia cuộc chơi.

Bài Chòi Hội An

Ở bài chòi, ngoài việc thử thời vận, bói hên xui vào dịp đầu năm, người ta còn tìm đến bài chòi để mua vui qua giọng hô, tài ứng đối và lối diễn trò của Hiệu.

Vì vậy, đánh Bài chòi là một thú tiêu khiển, một hình thức vui chơi nhẹ nhàng, tao nhã, ít tốn kém. Một hội chơi dân gian đã trở thành tập tục vào dịp đầu Xuân, mang tính chất khuyến khích sáng tác và duy trì thi ca bình dân.

Ở các tỉnh miền Nam Trung Phần, nhất là Bình Định ngày nay còn lưu lại rất nhiều ca dao qua lối chơi này, đóng góp không nhỏ vào kho tàng văn chương bình dân của nước nhà. Tiếc rằng hội Bài chòi và trò chơi truyền thống của nó từ sau năm 1945 đã mai một dần, chỉ rơi rớt âm vang điệu hô, còn mô hình lều trại họa hoằn mới có nhưng nặng về trang phục màu mè hơn là đậm nét phong phú của câu thai!

Xem thêm:

Ý kiến bạn đọc