Top 10 thương hiệu du lịch dẫn đầu Việt Nam
i-search

Giờ đây bạn có thể làm món ngon ngày tết mà chỉ mất chút thời gian

Thứ sáu, 18/12/2020, 09:08 GMT+7

Vậy là lại sắp đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 nữa rồi. Đây chính là khoảng thời gian để mọi người trong gia đình đoàn tụ sau một năm vất vả làm việc. Do đó những món ngon ngày Tết cũng cần phải được chuẩn bị vô cùng đầy đủ. Điều đó không chỉ thể hiện cho sự no ấm, hạnh phúc mà còn là  mong ước có một năm mới đầy đủ và phát đạt. Trong bài viết ngày hôm nay, Gonatour chia sẻ danh sách các món ngon ngày Tết cổ truyền của người Việt Nam tại ba miền Bắc – Trung – Nam để các bạn cùng tham khảo.

Món ngon ngày TếtMón ngon ngày Tết

1. Các món ngon ngày Tết Nguyên đán

  • Tết là dịp bên mâm cơm đoàn viên mọi người chúc nhau an lành, thịnh vượng, vừa ôn cố tri tân, vừa thưởng thức các món ngon, vật lạ.
  • Ngày Tết, mâm cơm, mâm cỗ của người Miền Bắc thường có các loại giò, chả, nem, thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng, gà luộc, canh măng, rau nộm, thịt động, dưa chua… Ở Miền Trung làm sao thiếu được tôm chua thịt luộc, thịt heo, thịt bò ngâm mắm, giò bò, giò bê, hay Miền Nam phóng khoáng với bánh tét, tôm khô củ kiệu, thịt heo kho tàu, lạp xưởng, gà xé phay…
  • Các món ngon lần lượt xuất hiện trên mâm, nào giò, nào chả, nào dưa, nào thịt ngâm, nào chiên, nào xào, nào chưng, nào sốt, áp chảo… Các món khô bên cạnh dĩa gỏi, những chén súp bên đĩa salad, rồi đủ các loại bánh, mứt, chè, rau… cùng những sản vật trên rừng, dưới biển như cá, tôm, cua, ốc… Ngày thường, các đặc sản này vốn đã ngon, ngày Tết lại càng được đặc biệt chăm chút.
  • Hương vị Tết không chỉ gói gọn trong những nghi thức truyền thống mà còn bay xa, theo bước chân những người Việt ra bên ngoài, và các khách ngoại quốc đến Việt Nam dịp Tết.

1.1 Các món ngon ngày Tết

1.1.1 Bánh chưng

  • Vốn là món ăn quen thuộc và không thể thiếu được trong ngày Tết, khi tới bất kỳ gia đình nào ở miền Bắc mỗi dịp Tết đến xuân về bạn sẽ bắt gặp những chiếc bánh chưng xanh. Bánh chưng tượng trưng cho mặt đất và được dùng để thể hiện sự biết ơn đối với hoàng tử Lang Liêu và đất trời. Bánh chưng là sự kết hợp độc đáo của gạo nếp dẻo, đậu xanh, thịt mỡ béo ngậy và vị cay nhẹ của hạt tiêu. Bên cạnh bánh chưng truyền thống ở trên còn có bánh chưng ngọt làm từ nhân đậu xanh và đường, bánh chưng gấc, bánh chưng nếp cẩm, bánh chưng cốm…
Bánh chưngBánh chưng

1.1.2 Giò

  • Bên cạnh bánh chưng xanh, xôi gấc đỏ không thể thiếu được đĩa giò, thường là giò nạc và nếu gia đình nào muốn phong phú hơn thì có thể điểm xuyết thêm đĩa giò xào, giò tai hoặc thịt đông. Ý nghĩa của đĩa giò trong mâm cơm ngày Tết là thể hiện hạnh phúc, phúc lộc đầy nhà. Giò nạc được làm từ thịt heo xay nhuyễn rồi gói bằng lá chuối và luộc chín. Giò đạt chuẩn phải giòn dai, thơm ngon và trắng mịn.
GiòGiò

1.1.3 Thịt gà luộc

  • Những món ăn truyền thống ngày Tết không thể thiếu được thịt gà luộc. Con gà luộc vàng ruộm được bày lên mâm cỗ để thắp hương tổ tiên, khi thưởng thức chặt thành từng miếng và ăn kèm với muối tiêu chanh. Đặc biệt, khi thưởng thức thịt gà với bánh chưng xanh hay xôi gấc ngon hết sảy.
Gà luộcGà luộc

1.1.4 Dưa hành

  • Nếu bạn cảm thấy ngán với bánh chưng, xôi gấc, thịt gà, giò… thì một đĩa dưa hành là sự lựa chọn lý tưởng đó. Dưa cải muối chua, hành củ muối chua giúp chống ngán với những món ăn ngày Tết. Vì vậy, ngay từ bây giờ bạn hãy nhanh nhanh chuẩn bị cho mình một hũ dưa hành muối để cả gia đình thưởng thức trong dịp Tết sắp tới. Ngoài ra, bạn cũng có thể đổi vị với su hào, cà rốt muối chua giải ngán cũng rất hấp dẫn. Bạn có thể ăn kèm dưa hành cùng với thịt đông, bánh chưng.
Dưa hànhDưa hành

1.2 Cách làm dưa món ngon ngày Tết

  • Dưa món là món ăn không thể thiếu vào ngày Tết Nguyên Đán của người dân Việt Nam vì độ giòn, ăn kèm với bánh chưng, bánh tét hay cơm để chống ngán. Làm dưa món cần tốn thời gian phơi rau củ và ngâm nên trước Tết một tuần các bạn bắt tay vào làm là vừa kịp nhé!

1.2.1 Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • Rau củ: Đu đủ: 200g, Cà rốt: 200g, Củ kiệu: 100g, Su hào: 100g, Củ cải: 100g
  • Các bạn có thể thay đổi rau củ tùy theo sở thích (như sử dụng củ sen, bông cải)
  • Ớt trái: 30g (hoặc tùy sở thích)
  • Hành tím: 100g (hoặc tùy sở thích)
  • Gia vị: Đường: 500g Nước mắm: 0.5 lít, Bột ngọt: 2 muỗng cà phê, Muối: 2 muỗng cà phê
  • Lọ thủy tinh lớn để đựng dưa món, đũa chẻ hoặc lưới để chèn trên mặt khi ngâm.

1.2.2 Cách làm dưa món

  • Bước 1

    • Nên lựa kiệu ta – kiệu thân nở, đuôi kiệu nhỏ mảnh, có thắt eo ngay giữa vì kiệu này không chứa nhiều nước, khi ngâm giòn và thơm hơn loại kiệu to tròn. Lột hết vỏ và rễ của củ kiệu rồi sau đó ngâm với một chút muối rồi rửa thật sạch, để cho ráo nước. Làm tương tự với hành tím, hành tím không cắt ra mà để nguyên củ. Ớt rửa sạch, để nguyên trái.
    • Kiệu ta nhỏ, đuôi thon dài sau khi ngâm giòn và thơm hơn. Sau khi cắt rễ, lột vỏ nên ngâm nước muối để kiệu không bị thâm (Ảnh: nguyenkim.com)
  • Bước 2
    • Rửa sạch đu đủ, cà rốt, su hào, củ cải rồi gọt vỏ. Đu đủ, cà rốt, su hào, củ cải bạn có thể cắt lát hoặc tỉa hoa, cũng có thể cắt theo hình răng cưa để khi muối, dưa món sẽ đẹp hơn. Nhớ là không cắt quá mỏng vì rau củ còn đem phơi và cắt mỏng dễ làm mất đi độ giòn khi ngâm dưa.
    • Thái rau củ thành nhiều hình dạng thì dưa món sẽ đẹp hơn nhưng cũng lưu ý kích cỡ không nên quá sai lệch nhau (Ảnh: cooky.vn)
  • Bước 3
    • Pha nước muối lạnh rồi đổ rau củ (đu đủ, cà rốt, su hào, củ cải) đem ngâm khoảng 20 phút để loại bớt vị hăng. Việc này giúp làm dưa món có vị ngon hơn.
  • Bước 4
    • Đem tất cả rau củ, hành tím, củ kiệu, ớt phơi khô nơi có nắng. Thời gian phơi thường là khoảng 20 giờ nắng. Cho đến khi nguyên liệu đã khô và teo lại thì có thể đem vào để muối dưa món nhé! Bước này rất quan trọng quyết định dưa món của bạn có giòn và ngon không nên các bạn nhớ làm kĩ.
    • Bạn có thể phoi rau củ dưới ánh nắng mặt trời hoặc dùng nồi sấy (Ảnh: blog.btaskee.com)
  • Bước 5
    • Làm nước mắm ngâm: Đun sôi 0.5l nước mắm và 500g đường, khi nước mắm sôi cho thêm 2 muỗng bột ngọt vào. Tắt bếp và để thật nguội (nước mắm chưa nguội mà bạn đã dùng thì dễ làm rau củ bị mềm, dưa món cũng không để lâu được). Bạn cũng có thể nêm nếm lại vị mặn ngọt cho phù hợp khẩu vị gia đình mình.
  • Bước 6
    •  Đun nước sôi để nguội hòa với ít muối để rửa sạch lại bụi bẩn khi phơi nắng. Sau đó vắt ráo nước và để ráo. Hũ thủy tinh rửa sạch, lau khô rồi tráng một lớp hỗn hợp nước mắm đã để nguội, việc này giúp dưa món lâu hư. Tiếp theo, sắp rau củ vào hũ (nên lựa và sắp xếp sao cho hài hòa để người ngoài thấy được sự đảm đang của bạn). Đổ hỗn hợp nước mắm vào hũ cho ngập các nguyên liệu, dùng đũa chẻ hoặc lưới để chèn không cho có rau củ nào bị nổi lên khỏi mặt nước mắm. Đậy nắp kín, để hũ ở chỗ thoáng mát và đợi thời gian nguyên liệu thấm nước mắm, khoảng từ 2-3 ngày là có thể dùng được.

1.2.3 Thành phẩm

  • Sau khi ngâm khoảng 2 – 3 ngày thì ra củ thấm nước mắm sẽ nở ra. Cách làm dưa món tuy đơn giản nhưng cần phải lựa chọn kĩ nguyên liệu, pha nước mắm mặn ngọt vừa phải. Dưa món có thể ăn kèm bữa chính cũng có thể ăn kèm với chả, bánh chưng, bánh tét.
Dưa mónDưa món

1.3 các món ngon đỡ ngán ngày tết

  • Những ngày tết tràn ngập những món ăn khi đi chúc tết người thân nhưng chế biến món gì để đãi khách ngày tết cho đỡ ngán ? Hôm nay Sản Phẩm Đặc Sản xin giới thiệu cùng các bạn những món ăn món chống ngán ngày Tết vừa ngon lại dễ làm, hứa hẹn sẽ mang lại sự ngon miệng cho một bữa ăn trong gia đình cũng như đãi khách mời các bạn cùng theo dõi.

1.3.1 Gỏi chân gà ngó sen

  • Đây được coi là một trong những món ăn ngon và dễ làm.
  • Nguyên liệu cần chuẩn bị
    • Chân gà, ngó sen, dưa chuột, cà rốt, hành tây, rau răm, húng lủi, ngò rí, gừng, chanh, ớt, tỏi băm... và thêm một số gia vị cần thiết khác như nước mắm, đường trắng, giấm, muối...
  • Cách làm
    • Đầu tiên, vệ sinh chân gà sạch sẽ bằng cách xát muối và gừng rồi rửa sạch nhiều lần. Luộc chân gà chín lên rồi vớt ra thả vào chậu nước lạnh có pha một ít giấm. Sử dụng dao để lọc xương bỏ đi và chỉ giữ lại phần gân, da. Mang ngó sen, cà rốt cắt làm từng sợi đồng thời thái nhỏ các loại rau gia vị đã chuẩn bị. Cho ngó sen cùng cà rốt vào một chiếc tô to rồi ngâm thêm đường, muối, giấm. Pha chén nước mắm, cho đường cùng tỏi ớt đã băm nhuyễn vào, khuấy đều lên. Rửa tay sạch sẽ, rồi vắt sạch nước từ cà rốt, ngó sen. Đem đi trộn với phần chân gà ở trên. Cho thêm các loại rau đã thái nhỏ cùng với bát nước mắm tỏi ớt rồi nêm nếm cho vừa gia vị.
Chân gà ngó senChân gà ngó sen

1.3.2 Gân bò trộn xoài chua

  • Nếu bạn không biết Tết ăn gì cho đỡ ngán thì đừng nên bỏ qua gân bò trộn xoài chua. 
  • Nguyên liệu cần chuẩn bị
    • Xoài chua , gân bò trong (khoảng 300g) kèm theo một số gia vị quen thuộc như muối, giấm đường trắng, tỏi, ớt, gừng (đã băm sẵn), ớt bột, sả…
  • Hướng dẫn cách làm
    • Mang gân bò rửa sạch với nước muối rồi bắc lên bếp, luộc trong 30 phút. Khi chín, vớt ra ngâm vào nước lạnh khoảng 15 phút để giòn hơn rồi cắt thành những miếng nhỏ. Cũng mang xoài chua đi ngâm nước muối và cắt thành từng miếng. Cho tất cả các nguyên liệu, gia vị đã chuẩn bị vào một cái chén để pha nước mắm rồi trộn đều lên. Cho gân bò vào trong tô đựng xoài chua, đổ chén nước mắm vào và trộn đều, nếm cho vừa khẩu vị rồi thưởng thức.
Gân bò trộn xoài chuaGân bò trộn xoài chua

1.3.3 Bắp bò ngâm mắm chua ngọt

  • Món ăn này cũng là một sự lựa chọn khá hoàn hảo cho ngày Tết Nguyên đán và ăn lại không ngán nhậu lai rai hết sẩy. 
  • Nguyên liệu cần chuẩn bị
    • Bắp bò (khoảng 300g), gừng, tỏi, hoa hồi và các gia vị như đường trắng, nước mắm..
  • Hướng dẫn cách làm
    • Rửa sạch bắp bò rồi đem đi luộc với nước có hoa hồi, giấm, lát gừng… Đến khi chín thì vớt ra, rửa qua bằng nước lạnh rồi để nguội.
    • Đun sôi hỗn hợp nước mắm, nước lạnh với đường và giấm rồi tắt bếp, cũng để nguội.
    • Cho bắp bò vào lọ thủy tinh, đồ nước mắm ngập và bổ sung thêm tiêu, ớt, tỏi. Để như vậy, trong khoảng 4-5 ngày là ăn được.
Bắp bò ngâm chua ngọtBắp bò ngâm chua ngọt

1.3.4 Nộm hoa chuối

  • Đây cũng được cho là một món ăn để trả lời cho câu hỏi Tết ăn gì không ngán.
  • Nguyên liệu cần chuẩn bị
    • Tôm, hoa chuối, rau húng quế, mùi, đậu phộng rang, đường trắng, chanh, tỏi…
  • Hướng dẫn cách làm
    • Đầu tiên, mang tôm đi luộc chín rồi thái miếng vừa đủ ăn. Nên chọn hoa chuối vừa mới được cắt trong ngày, rửa qua xong thái mỏng và ngâm với nước giấm rồi để ráo nước. Trộn đều tôm, hoa chuối với những loại rau đã thái nhỏ với các loại gia vị rồi rắc thêm ít lạc rang (đã được đập nhỏ) và thưởng thức.
Nộm hoa chuốiNộm hoa chuối

2. Món ngon ngày Tết miền Bắc

2.1 Bánh chưng, bánh dày – Tinh hoa đất trời mâm cỗ Tết miền Bắc

  • Bánh chưng, bánh dày là món ngon không thể bỏ qua khi nhắc đến ngày Tết cổ truyền ở miền Bắc. Đây làm những món gắn liền với sự tích thời vua Hùng, vừa mang ý nghĩa văn hóa, vừa mang giá trị tinh thần. Hai chiếc bánh này là kết tinh của đất, trời, xuất hiện trong mâm cỗ thờ nhằm tỏ lòng biết ơn tạo hóa cho mùa màng bội thu, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đồng thời, là sợi dây gắn kết mọi thành viên trong gia đình lại với nhau.
  • khi xã hội ngày càng phát triển, nhiều gia đình đã không còn thói quen quây quần bên nồi bánh chưng nóng hổi hay tận tay nhào nặn từng chiếc bánh dày nữa. Bù lại, khi được mua về đặt trên bàn thờ gia tiên, mọi người vẫn cẩn thận lựa chọn loại bánh ngon và chất lượng nhất.
Bánh chưng, bánh dàyBánh chưng, bánh dày

2.2 Gà luộc

  • Để cúng Giao thừa hay những ngày đầu năm mới, gà luộc là món ăn vô cùng quan trọng. Nhiều người tin rằng, khi dâng gà luộc lên đất trời sẽ mang tới khởi đầu thuận lợi, may mắn đủ đầy. Gà luộc với phần da vàng ươm, chặt thành miếng thật đều tay, xếp lên đĩa thật đẹp mắt. Rắc thêm vài sợi lá chanh thái chỉ mỏng thật mỏng. Đặc biệt, đi kèm với đĩa thịt gà luộc thì không thể thiếu đĩa muối tiêu chanh, đó mới thật sự đầy đủ hương vị đặc trưng cho món ăn này.

2.3 Thịt đông

  • Giữa tiết trời se lạnh, một món thịt đông ăn kèm với dưa hành là đúng vị nhất. Trong những món ngon ngày Tết đậm đà hương vị cổ truyền đây là món không thể thiếu. Được làm từ thịt lợn, thịt gà hoặc đôi khi là cả chân giò lợn, thêm chút mộc nhĩ, nấm hương, gia giảm gia vị vừa ăn rồi ninh nhừ. Sau đó để ngoài trời cho đông lại hoặc bảo quản trong tủ lạnh.
  • Khi thịt đông trên bề mặt sẽ có một lớp mỡ màu trắng mịn như tuyết pha sắc vàng mịn như mặt hồ không gợn sóng. Độ ngậy, mát khiến thịt đông trở thành món ăn hấp dẫn và đưa cơm.
Thịt đôngThịt đông

2.3 Canh măng

  • Món ngon ngày Tết miền Bắc mà quên nhắc tới canh măng thì quả thật là điều vô cùng thiếu sót. Măng khô sẽ được ngâm nước qua đêm, sau đó luộc qua nhiều nước rồi nấu chung với móng giò hoặc cổ, cánh, chân gà… Vị ngậy, béo hòa quyện với vị ngọt bùi của măng tạo nên sức cuốn hút lạ kỳ.
Canh măngCanh măng

2.4 Canh bóng thả

  • Canh bóng thả là món ngon thường xuyên xuất hiện trong mâm cỗ Tết miền Bắc. Món ăn này vừa thanh tao, vừa bổ dưỡng lại còn phù hợp với tiết trời giá lạnh cuối đông. Lý do là bởi mùa lạnh người Bắc da thường khô và nứt nẻ, ăn bóng bì sẽ giúp bổ huyết, mịn da giống như một biện pháp cân bằng tự nhiên cho cơ thể. Khi múc, nhìn bát canh đầy đủ màu sắc của bóng bì, su hào, cà rốt, đậu Hà Lan, giò lụa, trứng thái chỉ, tôm nõn, thịt thăn,… và xếp trên cùng là mấy cọng rau mùi, chắc chắn sẽ khiến bạn ngất ngây đấy!
Canh bóng thảCanh bóng thả

2.5 Xôi gấc

  • Xôi gấc chứa rất nhiều vitamin, khoáng chất bổ dưỡng, tốt cho người thị lực kém, phòng chống ung thư, tốt cho tim mạch, nâng cao sức đề kháng,…. Màu đỏ tươi của xôi gấc cũng tượng trưng cho tài lộc, sự may mắn nên rất được người miền Bắc ưa chuộng và dùng để thiết đãi bạn bè, người thân dịp Tết.
  • Là món ngon trong dịp Tết nên xôi gấc thường được chuẩn bị rất công phu. Từ việc lựa gấc làm sao cho đỏ, thơm và ngon nhất đến việc đồ xôi, đơm xôi và đặt lên ban thờ như thế nào? Tất cả đều được các bà, các mẹ làm kỹ lưỡng và cầu kỳ.
Xôi gấcXôi gấc

2.6 Thịt bò kho

  • Nếu miền Nam có thịt kho tàu với trứng “trứ danh” thì miền Bắc lại có món thịt bò kho nồng ấm, đậm đà hương vị. Món ăn này luôn hiện diện trên mâm cỗ sum vầy tại miền Bắc mỗi dịp nghênh đón một năm mới an lành. Với hương thơm đặc trưng, thịt bò kho đã trở thành một dấu ấn khó phai trong nền ẩm thực trù phú Bắc Bộ.
  • Thường thì món này được chuẩn bị kỹ lưỡng từ ngày 29 tết để kịp cúng gia tiên vào trưa 30 và để ăn dần trong những ngày đầu năm. Các mẹ hay chọn thịt nạm cho món thịt bò kho này ướp với chút gia vị mắm muối và nước cốt tỏi, bên trong cuộn thịt ba chỉ chắc chắn rồi buộc lại bằng lạt. Thịt sẽ được chiên sơ trước khi kho để dậy mùi rồi mới thả vào nồi nước đã nấu sôi được nêm sẵn tương, gia vị và một ít quế. Nấu đến khi thịt chín mềm, gỡ lạt và cắt thịt thành khoanh. Sau cùng, thưởng thức bên mâm cỗ ấm cúng cùng các thành viên trong gia đình.
Thịt bò khoThịt bò kho

3. Món ngon ngày Tết miền Trung

  • Những món ăn ngày Tết miền Trung chẳng thua kém gì 2 miền Bắc Nam, dẫu quanh năm khó khăn, người dân nơi đây vẫn mong muốn có một cái Tết sung túc để cầu cho một năm “mưa thuận gió hòa”.

3.1 Bánh thuẩn - món ăn đặc trưng ngày Tết miền Trung

  • Lạ lắm, cứ những ngày cận kề như thế này ở miền Trung, người người, nhà nhà lại làm bánh thuẩn, đến nỗi cái hương thơm ấy len lỏi khắp nơi để báo rằng một mùa Tết nữa đang về.
  • Bánh thuẩn hay có nơi còn gọi là bánh thửng, một trong món ăn không “chơi” không thể thiếu trong ngày Tết miền Trung, chúng cũng được gói ghém cẩn thận và đặt lên bàn thờ tổ tiên những ngày cận kề năm mới.
  • Bánh thuẩn có vị gần giống bánh gato, thế nhưng chả có bánh gato nào có được cái vị mềm xốp, thơm nức mùi trứng gà như món bánh này.
  • Chẳng thế mà, dẫu không xa hoa lộng lẫy như các món bánh khác, nhưng cứ đến cận kề Tết, những ngày trời mưa phun người ta lại thèm khát được thưởng thức món bánh bình dị ấy một cách lạ thường.
Bánh thuẩn Bánh thuẩn

3.2 Bánh tét 

  • Bánh tét thì miền Nam cũng có, thế nhưng nếu có dịp ghé, bạn sẽ thấy món ăn ngày Tết không thể thiếu này ở miền Trung lại bình dị đến mức khó tưởng.
  • Không quan trọng nhiều màu sắc, đôi khi cũng chẳng cần có nhân, bánh Tét miền Trung chỉ cần đôi ba lon nếp, một ít lá chuối xanh, ít muối, ít tiêu cũng đủ làm nên hương vị Tết.
  • Nguyên liệu càng đơn giản, không có nhân thì bánh sẽ càng giữ được lâu. Chẳng thế mà, mỗi gia đình miền Trung chỉ làm dăm ba đòn bánh Tét có nhân, còn lại để không, ra năm chiên giòn rụm ăn kèm vài lát dưa món, chẳng mấy chốc mà hết cả đòn...
Bánh tétBánh tét

3.3 Mứt gừng - món ăn “chơi” thưởng ngoạn ngày Tết của người miền Trung

  • Nếu miền Bắc nổi tiếng với mứt sen, miền Nam có mứt dừa thì miền Trung sẽ là mứt gừng. Ngẫm lại mới thấy, người ta bảo người miền Trung thích vị cay nồng chẳng sai tí nào.
  • Dưới cái tiết trời se lạnh, mưa phùn phất phơ của những ngày đầu năm, ngậm một miếng mứt gừng cay cay, nhâm nhi tách trà nóng, chẳng cần gì Tết cũng đủ ấm lòng.
Mứt gừngMứt gừng

3.4 Bánh in - món ăn gắn liền với tuổi thơ của người miền Trung

  • Cứ đến gần Tết, lũ trẻ con lại kháo nhau những chiếc bánh in đầy màu sắc, hồi đó chỉ có mỗi vị của đậu xanh bùi bùi, ngọt lịm mà ăn hoài chẳng ngán.
  • Bánh in giờ đa dạng hơn, nhiều họa tiết rồng phượng, được gói ghém cầu kỳ nhưng hương vị sẽ chẳng thể lẫn vào đâu.
Bánh inBánh in

3.5 Bánh ít lá gai

  • Không chỉ là đặc sản của đất võ Bình Định mà bánh ít lá gai giờ đã trở thành món ngày Tết không thể thiếu của người dân miền Trung.
  • Những ngày này chỉ cần ghé vài phiên chợ quê, bạn sẽ thấy bánh ít lá gai được bày bán khắp nơi, rẻ đến mức bạn mua trăm cái để làm quà cũng chẳng tốn là bao.
  • Bánh ít lá gai được làm từ lá gai - loại lá đặc trưng ở miền Trung, sau khi để héo vài ngày, đem rửa sạch, luộc chín, để ráo rồi mang đi giã nhuyễn. Bánh thơm vị lá gai, dẻo mịn của nếp mới, hòa lẫn vị ngọt của đường đen và đỗ xanh, thêm ít dừa dai ngon sần sần...
Bánh ít lá gaiBánh ít lá gai

3.6 Gà bóp

  • Gà luộc là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của mỗi miền, chứ chẳng riêng gì miền Trung.
  • Thường sau khi cúng gà sẽ được xé phay, thêm ít hành tây cắt sợi, ít rau răm, chút tiêu, muối bóp đều cho ra dĩa, phần xương thì được nhiều nhà mang đi nấu cháo trắng ngon đến lạ kỳ
Gà bópGà bóp

3.7 Chè kê, chè đậu xanh

  • Chè đậu xanh thì gần như chẳng ai xa lạ, thế nhưng nếu đến miền Trung ngày Tết, bạn hãy thử thưởng thức món chè kê “huyền thoại” mà thoạt đầu ngó bạn sẽ tưởng chúng là 100% đậu xanh.
  • Chè kê được nấu từ hạt kê, thêm ít đậu xanh, đường, gừng, chúng không mịn như chè đậu xanh, nhưng điểm cộng là không ngọt lịm như các món chè khác, đặc biệt khi ăn bạn sẽ thấy sần sần của hạt kê.
Chè kêChè kê

3.8 Bánh lăn

  • Là món ăn dân dã, rẻ tiền nhưng lại chẳng thể thiếu trong ngày Tết của một số gia đình ở miền Trung.
  • Thành phần chính là nếp thơm dẻo được chọn từ mùa trước, thêm vào các nguyên liệu như cà chua, quất, cà rốt, bí đao, chuối, gừng, vài ba lát dừa… tất cả được cắt mỏng, rim với đường nhỏ lửa đến khi hỗn hợp đặc lại.
  • Phần nếp được rang kỹ, xay hoặc giã mịn thành bột, sau đó trộn đều với nước đường cho đến khi dẻo lại. Hòa phần bột nếp với mứt nén thành khối trụ tròn dài, khi ăn cắt thành từng khoanh nhỏ.

3.9 Bò kho mật mía

  • Bò kho mật mía là đãi khách hoặc dùng làm món lai rai ngày Tết của các quý ông miền Trung, bắt nguồn từ xứ Nghệ.
  • Bò kho mật mía thường sẽ dùng phần bắp bò nên khi ăn bạn sẽ cảm nhận được độ giòn, kết hợp vị thơm cay nồng của gừng, sả, quế, ớt, thơm dịu của mật mía.
  • Chỉ nghĩ thôi là đã thèm, là nhớ Tết của miền Trung.
Bò kho mật míaBò kho mật mía

4. Món ngon ngày Tết miền Nam

4.1 Thịt kho nước dừa

  • Một trong những món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết miền nam đó là thịt kho nước dừa. Để có món thịt kho ngon, bạn nên kho thịt ba chỉ cùng trứng vịt luộc cho đến khi nước dùng sánh lại và các nguyên liệu trên đều chuyển sang màu vàng nâu. Người ta thường thưởng thức thịt kho cùng cơm trắng với một dưa món để tăng thêm hương vị đậm đà.
Thịt kho nước dừaThịt kho nước dừa

4.2 Canh khổ qua

  • Đối với người miền nam, canh khổ dồn thịt qua mang ý nghĩa cầu mong khó khăn đi qua để đón điều thuận lợi may mắn và tươi sáng cho một năm mới đến. Món ăn này tuy có vị hơi đắng một chút nhưng lại có công dụng tốt cho sức khoẻ, nhất là trong dịp Tết.
Canh khổ quaCanh khổ qua

4.3 Củ kiệu tôm khô

  • Tương tự như dưa món đủ màu sắc ở miền Trung, thì củ kiệu tôm khô ở miền Nam là một trong các món ngon ngày Tết không thể thiếu trên mâm cỗ của những người dân miền Nam. Củ kiệu kết hợp cùng với tôm khô tạo nên một món ăn vô cùng ngon miệng với vị chua chua ngọt ngọt, bùi bùi rất đặc trưng và là một món ăn mà các chú các bác đều thích và là món không thể thiếu trên bàn nhâu trong những dịp tết ấm cuốn như thế này.
Củ kiệu tôm khôCủ kiệu tôm khô

4.4 Món gỏi gà

  • Gỏi gà xé phay món ăn với vị chua ngọt dịu mát, chế biến lại nhanh gọn, ngon và nhiều dinh dưỡng. Vừa ngon, vừa sang và đặc biệt không phải lo tăng cân hay ngán các món ăn từ thịt đâu nhé.
Gỏi gàGỏi gà

4.5 Mứt dừa

  • Mứt dừa được xem là món mứt Tết quen thuộc của người dân miền Tây và miền Nam. Để có món mứt dừa ngon, người làm nên chọn quả dừa không quá non hoặc già để việc nạo dừa được dễ dàng và đảm bảo sợi mứt mềm, không bị dai hoặc khô. Những loại mức dừ với màu sắc khác nhau như trắng, hồng, vàng... góp phần tô điểm mâm cỗ ngày Tết thêm sinh động.
Mứt dừaMứt dừa

Tết cổ truyền Việt Nam một nét đẹp văn hóa của người Việt bao đời nay. Đây chính là thời khắc giao mùa giữa năm cũ và năm mới, bắt đầu cho một sự khởi đầu mới, với hi vọng về mọi sự may mắn, tốt lành. Chính vì lẽ đó mà Món ngon ngày Tết không chỉ đơn thuần là những món ăn, đồ uống mà nó còn thể hiện nhiều ý nghĩa tâm linh mang đậm nét truyền thống của người dân Việt Nam. Với bài viết trên đây, Gonatour hi vọng gia đình bạn sẽ có nhiều món ngon để chuẩn bị cho ngày Tết cổ truyền Việt Nam năm 2021 đang đến gần. 

 

Ý kiến bạn đọc