Dinh Thầy Thím nằm giữa thảm rừng yên tĩnh, gây ấn tượng với du khách bởi kiến trúc độc đáo, cùng với đó là sự tích cảm động về nơi đây. Dinh Thầy Thím cũng là một trong những biểu tượng văn hoá và điểm đến tâm linh ở Lagi Hàm Thuận Nam.
Dinh Thầy Thím
1. Dinh Thầy Thím nằm ở đâu
- Địa chỉ: Xã Tân Tiến, thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận, Thành phố Phan Thiết.
- Được xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia vào năm 1997, Dinh Thầy Thím tọa lạc tại tỉnh Bình Thuận đã trở thành một điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở Phan Thiết. Điểm tham quan này được người dân địa phương tôn thờ bởi vì những giá trị về lịch sử, nghệ thuật, văn hóa mà Dinh Thầy Thím mang lại.
- Về “tuổi đời”, Dinh Thầy Thím đã tồn tại hơn 140 năm, được xây dựng vào ngày 25/12 năm Tự Đức thứ 32 (1879 – 2019) tại một khu rừng dầu tĩnh mịch trên một khu cát trắng cách trung tâm Lagi 12km về hướng Tây Bắc.
- Dinh Thầy Thím một trong ba cụm di tích danh thắng và có thế mạnh về du lịch tâm linh của Tỉnh Bình Thuận (ở phía bắc có chùa Cổ Thạch và đình Bình An, ở trung tâm có Lầu Ông Hoàng và chùa núi Tà Cú). Trong đó, Dinh Thầy Thím là nơi thu hút đông đảo du khách thập phương nhất từ trong tỉnh và du khách các tỉnh miền Trung và Nam bộ đến thăm viếng, an dưỡng.
2. Đi đến Dinh Thầy Thím bằng cách nào
- Bạn không cần quá lo lắng về đường đi, bởi đường đến Dinh Thầy Thím di chuyển rất dễ dàng, các con đường đều được trải nhựa sạch sẽ, hai bên là những vườn thanh long xanh mát rất ấn tượng.
- Có rất nhiều cung đường cho bạn di chuyển đến Dinh. Tuy nhiên, lấy trung tâm thị xã Lagi là điểm xuất phát. Bạn chỉ cần men theo đường Nguyễn Chí Thanh qua Lý Thái Tổ, sau đó rẽ trái vào đường Ngô Đức Tốn là đến địa điểm này.
- Nếu bạn xuất phát từ thành phố HCM bằng xe máy, có thể lựa chọn 2 con đường “siêu đẹp” để di chuyển như:
- Cung đường biển có ít xe qua lại và mát mẻ, có nhiều cảnh đẹp cho bạn chụp ảnh. Bạn chỉ cần đi theo hướng Long Hải, ven theo đường biển. Trên đường đi có rất nhiều hàng quán ăn uống đấy nhé!
- Cung đường đi qua đồi Cừu nổi tiếng. Nếu đi vào mùa hè hoặc mùa xuân là bạn sẽ có cơ hội chụp ảnh với những chú cừu dễ thương ở đây.
Dinh Thầy Thím
3. Kiến trúc của Dinh Thầy Thím
- Quần thể kiến trúc Dinh được bao quanh bởi một bức tường hình thang vuông, chu vi gần 600m như tôn thêm vẻ trang nghiêm. Vòng thành trổ ba lối vào Dinh, cổng chính ở phía trước và cổng phụ ở hai bên tả hữu.
- Dinh Thầy Thím được xây dựng với kiến trúc mang đậm tín ngưỡng dân gian, tô điểm thêm cho vẻ trang nghiêm giữa núi rừng bát ngát. Trong Dinh Thầy Thím có vô vàn kiến trúc độc đáo như miếu Thành Hoàng, miếu Ông Hổ, nhà thờ Tiền - Hậu Hiền... cùng nhiều công trình điêu khắc khác.
- Dinh Thầy Thím được xây chủ yếu từ gỗ nguyễn liệu, gạch Bát Tràng là chủ yếu. Dinh vốn được xây dựng bằng những nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương, với: gỗ đóng vai trò chủ đạo, chất vữa kết dính được pha trộn từ vôi - cát - mật đường - nhựa cây, mái lợp ngói âm dương, nền lát gạch Bát tràng.
- Các công trình kiến trúc chính của Dinh đều quay về hướng Tây, gồm: cổng chính, võ ca, chính điện, nhà tiền hiền, bình phong, khu mộ Thầy Thím và một số công trình phụ cận khác. Trong đó, chính điện, võ ca, nhà tiền hiền đều sử dụng lối kiến trúc “tứ trụ”, một mô hình kiến trúc tôn giáo rất phổ biến ở Bình Thuận trong các thế kỷ 18 - 19.
- Đặc biệt là 4 cột chính ở khu vực trung tâm Dinh được các nghệ nhân thời bấy giờ trau chuốt và tạo dáng rất tinh tế, đạt đến đỉnh cao trong nghệ thuật điêu khắc gỗ. Toàn bộ chân đế của các cột được gờ chỉ, cách điệu dạng một bình hoa mềm mại, phần thân cột vát thành hình trụ vuông vức, phần đỉnh cột thu nhỏ dạng hình trụ tròn. Đây là nét kiến trúc hiếm hoi và độc đáo trong gần 300 di tích ở Bình Thuận.
- Trên thanh xà còn lưu dòng chữ Hán được khắc chìm, ghi “Kỷ Mão niên thập nhị quạt nhị thập ngũ nhật kiến tạo” - nghĩa là kiến tạo ngày 25 tháng 12 năm Kỷ Mão (1879), đánh dấu một mốc lịch sử Dinh Thầy Thím.
4. Ý nghĩa của lỗi kiến trúc “ Tứ trụ “ tại Dinh Thầy Thím
- Kiến trúc “tứ trụ” có nghĩa là 4 cột chính ở trung tâm nhà. Trong Dinh Thầy Thím, kiểu dáng “tứ trụ” được tạo rất tinh tế. Không ít người nhận xét là đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc gỗ. Phần đế của cột được gờ chỉ, cách điệu dạng một bình hoa. Phần thân cột vuông vắn đến phần đỉnh thì thu nhỏ dạng hình trụ tròn, vô cùng độc đáo.
- Chính điện: tọa lạc ngay trung tâm. Đây là công trình bề thế so với các công trình khác trong khuôn viên Dinh. Bạn sẽ khá ấn tượng trước nội thất tại đây. Toàn là những hiện vật cổ như câu đối, bao lam, hoành phi, khám thờ… Những nét điêu khắc gỗ rất tinh tế, thể hiện sự tài hoa của người xưa. Các họa tiết phong phú như muôn thú, hoa lá, thiên thiên, “tứ linh”… thể hiện được tín ngưỡng thiêng liêng, nhưng không kém phần gần gũi với cuộc sống thường nhật.
- Nhà Võ ca: Đây là nơi các nghi lễ truyền thống được thực hiện hằng năm. Người dân địa phương và du khách dâng hương, tưởng nhớ đến công lao của Thầy Nhím. Nơi đây lưu nhiều văn tự Hán cổ được trạm khắc trên cột, bức hoành với nội dung giáo dục sâu sắc cho hậu thế.
- Cổng chính: Công trình được tôn tạo lại từ năm 1994, theo kiến trúc dạng Tam Quan. Đỉnh cổng được trang trí hình tượng “lưỡng long chầu nguyệt”. Cổng chính là kiến trúc được xây dựng công phú, góp phần làm tăng thêm tính trang nghiêm của Dinh.
- Bình Phong: Cả hai mặt của bình phong đều được đắp nổi với hình ảnh rồn vờn mây. Hai bên là tượng Bạch Hổ và Hắc Hổ trong tư thế ngồi xổm, đầu ngẩng về hướng chính điện. Đây là hai nhân vật trong truyền thuyết bảo vệ ngôi mộ của Thầy Thím.
Dinh Thầy Thím
5. Sự tích kỳ bí về Dinh Thầy Thím
- Tương truyền, ngày xưa ở Quảng Nam có vợ chồng đạo sĩ giàu lòng nhân ái, võ thuật hơn người, nghĩa cử cao đẹp được dân làng mến mộ. Vì bị nhà vua xét xử oan, nên đạo sĩ cùng vợ phiêu bạt vào làng Tam Tân (nay là xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) lánh nạn. Và cũng từ đây, những câu chuyện về đức độ của vợ chồng đạo sĩ được hết lòng ca ngợi, dân làng Tam Tân thân thiết gọi vợ chồng đạo sĩ là Thầy Thím.
- Ngày ngày, Thầy Thím làm nghề đốn củi, đóng ghe, bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Khi làng có nạn, Thầy Thím trừng phạt bọn buôn gạo lợi dụng mất mùa bóp chẹt dân nghèo, cứu giúp dân chài trong cơn sóng to gió dữ. Thầy Thím còn thuần hóa cả thú rừng là nỗi sợ của người dân khi buổi đầu khai phá thiên nhiên hoang dã...
- Về sau, một ngày mùa thu, hay tin Thầy Thím qua đời, dân làng loan báo, vội vã tìm đến nơi, thì thấy hai ngôi mộ bằng cát trắng phau được thú rừng vun đắp ở gần nơi Thầy Thím tạ thế. Hàng năm, cứ đến mùng 5 tháng giêng âm lịch, người ta lại thấy có đôi Hắc - Bạch Hổ thường xuyên về tảo mộ, phủ phục gần đó canh gác mộ. Khi đôi Hổ qua đời, dân làng an táng ngay sau mộ Thầy Thím để tưởng nhớ hai con vật có nghĩa, tận trung với người.
- Để ghi ơn công đức của Thầy Thím, người dân địa phương chung sức lập đền thờ, nay là Dinh. Qua năm tháng, nghĩa cử Thầy Thím vẫn được dân gian lưu truyền, thế nên đến đời vua Thành Thái năm thứ 18, nhà vua đã xem xét lại án xử trước đây và sắc phong cho Thầy Thím là “Chí Đức Tiên Sinh, Chí Đức Nương Nương Tôn Thần”.
- Sự tích Thầy Thím là một truyền thuyết dân gian được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Nội dung mang nhiều yếu tố tích cực và có giá trị giáo dục, đề cao tính nhân nghĩa, đạo đức, nhân cách cao đẹp qua nhân vật Thầy Thím.
- Ngày 15-9 âm lịch hàng năm là ngày lễ tế thu Thầy – Thím, nghĩa cử Thầy – Thím được dân gian lưu truyền.
6. Khu Mộ Dinh Thầy Thím
- Vốn gắn liền với tình cảm, niềm tin và tín ngưỡng lâu đời, nên mỗi khi đến cúng bái, tham quan Dinh Thầy Thím, du khách không quên viếng mộ Thầy Thím thắp hương, việc làm đó thể hiện truyền thống văn hóa tốt đẹp, biểu trưng cho đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của người dân Việt Nam.
- Mộ Thầy Thím tọa lạc giữa khu rừng Bàu Thông, cách Dinh khoảng 3km về phía Tây, khung cảnh thanh vắng, trữ tình. Từ Dinh, ngồi trên chiếc xe bò thô sơ xuyên qua cánh rừng dầu sẽ đưa du khách đến mộ Thầy Thím, hoặc có thể đến mộ bằng phương tiện ôtô, xe máy men theo tỉnh lộ.
- Khu mộ có 4 nấm mồ đắp bằng cát trắng vút cao thành 2 hàng, theo truyền thuyết dân gian thì hai mộ phía trước là mộ Thầy - Thím, hai mộ phía sau là đôi Hắc - Bạch Hổ (được coi là vệ sĩ, đệ tử của Thầy Thím). Từ năm 1988, ban quản lý Khu di tích Dinh Thầy Thím đã xây thêm một bức tường thành bằng đá bao bọc lấy khu mộ.
7. Lễ hội ở Dinh Thầy Thím Lagi
- Hàng năm dinh Thầy Thím tổ chức 2 kỳ lễ lớn: lễ Tảo Mộ (nhằm ngày mồng 5 tháng 1 Âm lịch) và lễ Tế Thu (nhằm ngày 14 đến ngày 16 tháng 9 Âm lịch) thuộc làng Tam Tân, xã Tân Tiến, thị xã LaGi - Bình Thuận diễn ra trong không khí long trọng, tôn vinh nét đẹp văn hóa của vùng đất này. Lễ hội ôn lại công đức của vị đạo sĩ giàu lòng nhân ái, có nhiều nghĩa cử cao đẹp, giúp dân đóng thuyền, bốc thuốc chữa bệnh, giúp dân chài trong sóng to gió lớn, cảm hóa được cả thú dữ… được dân làng mến mộ.
- Từ lễ hội nhỏ của làng trở thành lễ hội lớn của khu vực, từ lực lượng hội viên chủ yếu là người làng đến những hội viên trong và ngoài tỉnh, từ dinh Thầy Thím xuống cấp trầm trọng sau chiến tranh đến di tích được bảo tồn chu đáo là cả một quá trình. Quá trình đó đã trải qua bao thăng trầm, bao biến cố của lịch sử, song nó đã thể hiện được một định hướng lâu dài của sự phát triển di tích, thể hiện tư duy đổi mới của những người kế tục.
Lễ Tảo Mộ
- Lễ Tảo mộ Thầy Thím là một trong hai lễ lớn hằng năm của Dinh Thầy Thím. Lễ Tảo mộ được tiến hành vào ngày mùng 5 tháng giêng âm lịch hằng năm. Ngoài ra còn các trò chơi dân gian, nổi bật nhất là hội thi cờ tướng, tập hợp các kỳ thủ trong tỉnh Bình Thuận (vòng loại hội thi cờ tướng được tổ chức trước đó 1 – 2 tháng).
Lễ lễ Tế Thu
- Lễ Tế Thu được kéo dài 3 ngày 14, 15, 16 tháng 9 âm lịch.
- Lễ hội Dinh Thầy Thím gồm những nghi lễ dân gian như: Nghinh thần, rước Sắc phong và Bằng công nhận di tích, lễ dâng hương, nhập điện an vị, cúng ngọ chay, thí thực phát lộc, thỉnh sanh, giỗ Tiền hiền và cúng gia binh. Bên cạnh đó là phần hội với các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc trưng miền biển như hội thi làm mô hình sự tích Thầy Thím, thi kéo co, làm bánh dân gian, đan lưới, khiêng thúng ra khơi, gánh cá, biểu diễn lân – sư – rồng, triển lãm mô hình sự tích Thầy Thím, trình diễn trống hội, chương trình ca múa nhạc, biểu diễn nghệ thuật dân gian miền biển.
- Vào những dịp lễ lớn, thường du khách thập phương đến rất đông nên nếu các bạn không thích chen lấn thì có thể đến viếng dinh Thầy Thím vào dịp cuối tuần, các ngày lễ khác trong năm, thường thì tháng giêng đến tháng 7 và tháng 9 âm lịch hàng năm là nhiều khách đến nhất, vì thời tiết mát mẻ, nắng ráo, thuận tiện cho vui chơi, tắm biển và thưởng thức hải sản.
8. Các lễ vật cũng Dinh Thầy Thím
- Quan trọng là sự thành tâm, và tuỳ điều kiện kinh tế nên bạn chuẩn bị được thứ gì thì cúng thứ ấy: chẳng hạn như
- Trái cây: ngũ quả
- Hoa tươi: Hoa ly, hoa cúc,…
- Bánh kẹo
- Gạo, muối
- Heo quay
- Gà luộc
- Vịt quay,
- Vàng bạc
- Trầu cau
- Bộ đồ cho Thầy và Thím
- Sự thành tâm cầu khẩn của bạn sẽ được Thầy Thím chứng giám và phù hộ. Một điểm lưu ý là nếu bạn đã dự định đi cúng Thầy Thím, thì nên đi 1 mạch thẳng ra Dinh Thầy Thím và bày biện lễ vật, tỏ lòng thành tâm khấn vái, sau đó mới đi vui chơi, tắm biển, ăn uống. Vì đã mong muốn Thầy Thím lắng nghe và phù hộ, thì nên đến Dinh trước rồi hãy đi đâu thì đi, làm gì thì làm.
Dinh Thầy Thím
9. Đi Dinh Thầy Thím thì nên xin gì?
- Trong quang cảnh, không gian lễ hội Dinh Thầy Thím của 25 – 30 năm về trước. người dân của cả huyện Hàm Tân (cũ), nay là xã Tân Tiến, TX Lagi lại náo nức sắm sửa lễ vật để đi cúng tạ Thầy Thím, cảm tạ một năm nhờ ơn đức của Thầy Thím mà mùa màng tốt tươi, mua may bán đắt, gia đình an lạc… Cầu xin Thầy Thím tiếp tục gia hộ cho năm sau được sức khỏe, được mùa, đủ ăn.
- Ngày nay khi Dinh Thầy Thím được nhiều du khách thập phương biết đến, thì lễ vật cũng phong phú hơn, lời thỉnh cầu, van vái, cầu xin cũng có giá trị vật chất hơn, có thêm yếu tố kinh tế thị trường, tính thời đại hơn, như: cầu cho bất động sản mua nhanh bán nhanh, cầu cho chứng khoán tăng điểm, được thăng quan tiến chức, con cái du học, cầu mua được nhà, mua được xe, trúng vé số :). Có những cặp vợ chồng hiếm muộn cũng đến cầu con, nhờ ơn Thấy Thím đủ duyên ắt sẽ “sở cầu tất ứng”.
Dinh Thầy Thím là một địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, bạn có thể đến để cầu bình an, may mắn hoặc chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo hay đi tắm biển đều được. Dinh Thầy Thím vẫn như một mái ấm của cả dân làng Tam Tân từ hàng trăm năm qua, và rồi để những ai trở về đây như tìm về một chốn bình yên cho tâm hồn