Top 10 thương hiệu du lịch dẫn đầu Việt Nam
i-search

Phủ Hòa Thân – Vương Phủ của “ Đệ nhất tham quan “ Trung Quốc

Thứ tư, 31/01/2024, 07:09 GMT+7

Phủ Hòa Thân là một công trình kiến trúc cổ xưa, có lịch sử hàng trăm năm tuổi, gắn liền với triều đại nhà Thanh của Trung Quốc. "Một tòa Cung Vương phủ, nửa triều đại nhà Thanh" là câu nói được nhắc đến nhiều nhất khi miêu tả về sự xa hoa của phủ Hòa Thân. Cung Vương Phủ không chỉ là nơi ở của Hòa Thân, một quan tham nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, mà còn là chứng nhân của những biến động và thăng trầm của triều đại nhà Thanh.

Phủ Hòa ThânPhủ Hòa Thân

1. Phủ Hòa Thân - Biệt phủ xa hoa, tráng lệ

  • Cung Vương Phủ hay còn gọi là phủ Hòa Thân, là một công trình kiến trúc cổ xưa vẫn còn nguyên vẹn sau hơn hàng trăm năm lịch sử, nằm tại phố Liễu Ấm, quận Tây Thành, Bắc Kinh. Những người từng ở đây đều là những quan lại có quyền thế nhất thời nhà Thanh, đều là những người “dưới một người, trên vạn người”. Đó là gồm Hòa Thân – sủng thần của Càn Long, Khánh Hy Thân vương Vĩnh Lân – con thứ 17 của vua Càn Long, em ruột của Gia Khánh và Cung Trung Thân vương Dịch Hân – em thứ sáu của Hàm Phong.
  • Một trong số họ phải kể đến Hòa Thân, sủng thần của Càn Long đế, người nổi tiếng với khí chất hào hoa và phong lưu. Ông từng nổi danh với câu nói đầy hống hách: “Hoàng Thượng có thứ gì, ta cũng có, Hoàng Thượng không có thứ gì, ta cũng phải có”. Điều này không phải là khoác lác, bởi tài sản của Hòa Thân thậm chí còn hơn cả quốc khố nhà Thanh. Khi ông qua đời, vua Gia Khánh đã thu giữ của cải của ông, tổng số tiền tương đương tài sản quốc khố nhà Thanh phải mất 15 năm mới thu được.
  • Có thể nói, cung Vương Phủ Hòa Thân là một trong những Vương Phủ nhà Thanh được bảo tồn hoàn hảo nhất của Trung Quốc. Năm 1982 được liệt vào danh sách bảo hộ trọng điểm của toàn quốc.

2. Lịch sử của Phủ Hòa Thân

  • Năm Càn Long thứ 41 (1776), Quân cơ đại thần, Hàn lâm Đại học sĩ Hòa Thân cho xây phủ đệ chạy dọc Tiền Hải (前海) và sau hông Hậu Hải (后海) (là những Hồ nước lớn phía đông bắc Tử Cấm Thành – các hồ này hiện là phố Bar đặc sắc của Bắc Kinh), thời bấy xây xong đặt tên là “Hòa đệ” (tức phủ nhà họ Hòa).
  • Ngày mồng 3 tháng 1 năm Gia Khánh thứ 4 (1799), Thái Thượng hoàng Càn Long quy tiên thì ngay ngày hôm sau Gia Khánh bãi chức Quân cơ đại thần, Cửu môn Đề đốc của Hòa Thân và cho khám xét phủ đệ của Hòa Thân (tài sản thu được từ Hòa phủ ước khoảng 20 triệu lượng bạc trắng). Ngày 18 tháng Giêng cùng năm (tức 22 tháng 2 năm 1799), Hòa Thân được Gia Khánh ban cho lụa trắng (mà thắt cổ), Hòa phủ được giao lại cho Khánh Hy Thân vương Vĩnh Lân (em của Gia Khánh).
  • Năm Hàm Phong thứ nhất (1851) Cung Trung Thân vương Dịch Hân trở thành ông chủ thứ ba của Vương phủ này và đổi tên thành “Cung vương phủ” và tên này được dùng cho đến ngày nay.
  • Năm Dân quốc thứ nhất, phủ này bị Phổ Vĩ (cháu của Dịch Hân) bán cho Giáo hội với giá 400.000 đồng tiền Tây, sau đó Phủ Nhơn Đại học đã chuộc lại bằng 108 thỏi vàng, đồng thời dùng làm giảng đường dành cho nữ sinh. Sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời thì Phủ này đã được dùng làm nhiều việc như: Tập thể của Bộ Công An, Xưởng quạt điện, Học viện âm nhạc…

3. Kiến trúc của Phủ Hòa Thân

  • Kiến trúc cung Vương Phủ gồm 2 bộ phận chính là phủ đệ và hoa viên, chiếm diện tích tổng cộng 60.000m². Phủ đệ có diện tích 32.000m², được xây dựng theo phong cách “Tam Lộ Ngũ Tiến”, với kiến trúc đồ sộ và tinh tế. Mái ngói lưu ly xanh thể hiện đẳng cấp của một Phủ đệ Thân vương. Đây cũng là nơi ở của Hòa Thân, người giàu có nhất thiên hạ thời Thanh.
  • Hòa Thân đã cho bỏ ra rất nhiều tiền của và công sức để trang hoàng cung phủ. Hoa viên có diện tích 28.000m², còn gọi là Tụy Cẩm viên. Nơi đây, được bao quanh bởi giả sơn ba mặt, có hơn 50 cảnh điểm được bố trí hài hòa trên ba trục Đông, Tây, Trung. Cung Vương Phủ là biểu tượng của văn hóa vương phủ thời Thanh, chứa đựng những giá trị lịch sử và văn hóa cao quý. Như người ta thường nói: “một tòa cung Vương Phủ, nửa bộ sử Thanh triều”.
  • Người Trung Quốc gọi Hòa Thân là “người giàu nhất thế giới thế kỷ 18”. Do vậy, Cung Vương Phủ cũng được mệnh danh là “Dinh thự xa hoa nhất triều đại nhà Thanh”. Cung Vương Phủ chia làm 2 phần, gồm phủ đệ và hoa viên.
  • Điện Ngân An, nơi Hòa Thân làm việc và tiếp khách, còn được gọi là Ngân Loan điện, ngầm so sánh với nơi làm việc của vua là Kim Loan điện ở Cố Cung. Hòa Thân có một câu nói hết sức nổi tiếng mỗi khi nhận tiền của ai đó: “Ta không lấy tiền của ngươi, mà là ta cầm tiền của ngươi làm việc ngươi cần. Đây là tiền ngươi phải bỏ ra”.
  • Trong Cung Vương Phủ, có 2 nơi phần nào cho thấy sự giàu có của Hòa Thân. Thứ nhất là nơi ở của ông ta và thứ hai là lầu Tàng Bảo, tức nơi chứa những báu vật mà ông ta vơ vét được trong thời kỳ là “đệ nhất sủng thần” của vua Càn Long. Tích Tấn Trai là nơi ở của Hòa Thân cùng 9 người vợ. Bên trong có những cột nhà mà theo nhận định của các nhà sử học mỗi cây có giá tới 2,7 tỷ NDT (gần 9.500 tỷ đồng).
  • Cột này được làm từ một loại gỗ mà Trung Quốc gọi là gỗ đế vương, có tên là Trinh Nam. Mùi hương của loại gỗ này thoang thoảng, đặc biệt có khả năng chống côn trùng, mối mọt, do vậy vào mùa Hè không một con muỗi nào có thể bay vào bên trong. Còn những bộ bàn ghế sáng bóng là gỗ đàn hương khảm xà cừ.
  • Bức tường của căn nhà dày tới 1,5m, bên trong rỗng và cất giấu rất nhiều vàng bạc châu báu. Tuy vậy, những gì cất giữ trong bức tường này chỉ là một phần rất nhỏ trong toàn bộ khối tài sản khổng lồ của Hòa Thân. Hậu Tráo lầu, hay còn gọi là lầu Tàng Bảo, nơi cất giữ các báu vật thuộc hàng tuyệt phẩm của Hòa Thân.
  • Tòa nhà này dài hơn 180m, có 111 gian phòng và 88 cửa sổ, mỗi cửa mang một hoa văn khác nhau dùng để phân biệt vị trí các căn phòng chứa bảo vật. Ví dụ cửa sổ hình quả đào là nơi cất giữ San hô đỏ. Vào thời điểm đó, san hô đỏ của Hoàng đế Càn Long chỉ cao khoảng 2 thước Trung Quốc, trong khi của Hòa Thân cao hơn 3 thước, tức tầm 1 mét. Ông ta có tận 11 tảng san hô như vậy. Hoàng đế Gia Khánh khi nhìn thấy những tảng san hô này đã vô cùng sửng sốt.
  • Cửa sổ hình thoi là nơi chứa 10 viên ngọc trai, mỗi viên to bằng quả nhãn, tức to hơn cả viên ngọc trai đính trên vương miện của vua Càn Long. Hay như cửa sổ đặc biệt có hình 2 con cá, cái khánh và con dơi, là nơi chứa các thỏi vàng hay còn gọi là kim nguyên bảo. Đáng nói là vàng thỏi trong phủ Hòa Thân không nhỏ như thường thấy, mà lớn như một cái gối nhỏ, nặng tới hơn 30kg.
  •  
  • Điểm đặc sắc của cung Vương Phủ là một ngọn núi nhân tạo cao với một lầu xây trên đỉnh. Núi được trồng đầy cây cảnh và hoa lá, mang lại không khí trong lành và thoáng mát. Đây là nơi vương gia thường lui tới để thư giãn, đọc sách hay thưởng thức thi ca vào những buổi chiều hay đêm trăng sao. Để lên được lầu và ngọn núi, du khách phải đi qua một hành lang dốc không có bậc thang, rất độc đáo và thú vị. Ngoài ra, nơi đây còn có một sân khấu riêng để vương gia thuê đội hý kịch về biểu diễn kịch nói. Sân khấu này có nhiều điểm ấn tượng và khác biệt so với các sân khấu trong hoàng cung. Chỉ khi tham quan hết cung Vương Phủ mới có thể cảm nhận được sự độc đáo và ấn tượng của kiến trúc ‘hoàng cung thu nhỏ’ này.
  • Đáng chú ý nhất là 9.999 hình con dơi mang ý nghĩa may mắn, phú quý, được trải dài trên hành lang và cả tay nắm cửa của biệt phủ. Khi kết hợp với tấm bia đá chữ “Phúc” do Khang Hy ngự bút, 9.999 con dơi này tạo nên “Vạn Phúc”. Hòa Thân đã khéo léo sử dụng con số này để không vi phạm quyền lực của hoàng đế, vì chỉ có vua mới được dùng chữ “vạn”. Bia chữ “Phúc” này cũng là một trong những báu vật của Trung Quốc, vì Khang Hy rất hiếm khi viết chữ khắc bia. Đây được gọi là “thiên hạ đệ nhất Phúc” hay chữ “Phúc” Khang Hy. Hiện nay, tấm bia này đã được công nhận là di tích văn hóa cấp quốc gia của Trung Quốc.
  • Bia chữ “Phúc” này được Hòa Thân đặt trong lòng một ngọn núi nhân tạo hình Rồng. Vị trí của Rồng nằm trên long mạch của Bắc Kinh và huyệt Rồng chính là nơi có chữ Phúc. Sau khi Hòa Thân bị phế truất, vua Gia Khánh muốn lấy tấm bia này về cung, nhưng sợ làm đảo lộn long mạch, ảnh hưởng đến vận mệnh nhà Thanh, nên cuối cùng đã để yên ở cung Vương Phủ.
Phủ Hòa ThânPhủ Hòa Thân

4. Giá vé và giờ mở cửa cung Vương Phủ Hòa Thân

  • Giá vé: 40 tệ (trẻ em dưới 1,2m được miễn phí vé).
  • Thời gian mở cửa
    • Tháng 4 – tháng 10: 8h00 – 17h00
    • Tháng 11 – tháng 3: 9h00 – 16h00

5. Phong thủy của phủ Hòa Thân

  • Phủ Hòa Thân được xem là một nguồn cảm hứng cho những ai quan tâm đến phong thuỷ.
  • Được xây dựng trên vị trí đắc địa tại khu vực Thập Sát Hải, Phủ Hòa Thân được cho là nằm trên mạch "thủy long" và có phong thủy tốt. Nơi đây từng là nơi ở của Hòa Thân, người được coi là "đệ nhất tham quan Trung Quốc".
  • Theo quan niệm phong thủy, dòng nước trong một ngôi nhà ảnh hưởng trực tiếp đến tài vận. Phủ Hòa Thân nằm ở một vị trí "tứ phía đều thấy nước" và có dòng nước chỉ chảy vào mà không chảy ra, điều này sẽ giúp gia chủ thăng tiến và thuận lợi về tài chính.
  • Khu vực lân cận của Phủ Hòa Thân được cho là nơi sống thọ nhất ở Bắc Kinh, mang lại may mắn và điềm lành cho sức khỏe và sự nghiệp.
  • Trong Phủ, Hòa Thân đã chọn hai vật trấn phong thủy đặc biệt và đặt chúng trong hai ngọn núi giả.
  • Chữ "Phúc" mang ý nghĩa "đa điền, đa tử, đa tài, đa thọ" và được mệnh danh là "chữ Phúc đẹp nhất thiên hạ". Nhiều người tin rằng chạm vào "Phúc tự bia" có thể mang lại phúc thọ dài lâu.

6. Những điều bí ẩn về phủ Hòa Thân

  • Cũng như nhiều điểm tham quan cung vua phủ chúa khác ở Bắc Kinh, Cung Vương Phủ nổi tiếng với những giai thoại đáng sợ.
  • Vương Phủ cũng được ví như chốn hậu cung với hàng chục thê thiếp. Trong đó, có một nơi được xây dựng công phu mà Hòa Thân dành riêng cho người thiếp có tên Phùng Thị mà ông rất mực yêu thương. Nhưng sau khi người con trai của Phùng Thị qua đời vì bệnh, bà đau buồn khóc thương rồi cũng sớm mất.
  • Kể từ đó, người đời vẫn truyền tai nhau câu chuyện kỳ bí về người vợ chết yểu này. Lời đồn đại kể rằng, vào những đêm sáng trăng, người ta nghe thấy tiếng khóc ai oán từ Vương Phủ rộng lớn. Đó là tiếng khóc than của một người phụ nữ. Theo tương truyền, đó là hồn ma của Phùng Thị khóc thương người con bạc mệnh.
  • Những câu chuyện bí ẩn khác cũng được tiếp tục thêu dệt. Nhiều người khẳng định, họ từng nhìn thấy bóng dáng thấp thoáng của những cung nữ từng hầu hạ trong Phủ. Họ thường xuất hiện lúc tảng sáng rồi thấp thoáng và biến mất. Tuy đến nay, chưa ai kiểm chứng được lời đồn đại này, nhưng nhờ đó, Cung Vương Phủ càng trở nên kỳ bí và có sức hút đặc biệt với hàng triệu lượt khách ghé qua mỗi năm.
  • Ngày nay, Cung Vương Phủ đã thay đổi khá nhiều so với thời các vị vương giả, quan lại sinh sống. Những bí ẩn phía trên chẳng ai có thể kiểm chứng được là đúng hay sai nhưng nhờ có nó, phủ Hòa Thân như khoác lên mình một màu sắc mới và thu hút được hàng triệu du khách tới xem mỗi năm. Du khách tới đây cảm nhận được phần nào cuộc sống xa hoa, vương giả của giới quý tộc Trung Quốc xa xưa.
Phủ Hòa ThânPhủ Hòa Thân

Bên cạnh những giá trị vật chất, phủ Hoà Thân hay Cung Vương phủ còn mang trong mình một giá trị lịch sử to lớn, trải qua biết bao thời kỳ hưng thịnh và suy tàn của triều Thanh, là nhân chứng ghi lại dấu tích của bao con người đã đi vào sử sách. Phủ Hòa Thân được coi là di tích duy nhất của thời phong kiến Trung Quốc được bảo tồn nguyên vẹn cho đến ngày nay. Nếu có dịp đi Tour du lịch Bắc Kinh bạn đừng bỏ lỡ cơ hội tham quan và khám phá vương phủ này nhé!

Ý kiến bạn đọc