Top 10 thương hiệu du lịch dẫn đầu Việt Nam
i-search

Du lịch Rừng Sác Cần Giờ có gì hay

Thứ sáu, 22/10/2021, 03:25 GMT+7

Chỉ cách trung tâm Sài Gòn chưa tới 50km, khu du lịch Rừng Sác Cần Giờ là địa điểm lí tưởng để vui chơi cuối tuần. Vừa tiết kiệm thời gian lại vừa thư giãn, xả stress, cùng Gonatour tìm hiểu xem khu du lịch này có gì mà hấp dẫn nhiều du khách đến vậy nhé!

Rừng Sác Cần GiờRừng Sác Cần Giờ

1. Rừng Sác Cần Giờ ở đâu?

  • Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ còn gọi là Rừng Sác là một quần thể gồm các loài động, thực vật rừng trên cạn và thủy sinh, được hình thành trên vùng châu thổ rộng lớn của các cửa sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ. UNESCO đã công nhận đây là khu dự trữ sinh quyển thế giới với hệ động thực vật đa dạng độc đáo điển hình của vùng ngập mặn. Nơi đây được công nhận là một khu du lịch trọng điểm quốc gia Việt Nam
  • Với diện tích khoảng 70.000 ha rừng, nơi đây được xem là lá phổi xanh của thành phố nói riêng và khu vực Nam Bộ nói chung.
  • Địa chỉ : đường Rừng Sác, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh

2. Bản đồ Rừng Sác Cần Giờ

3. Đường đi Rừng Sác Cần Giờ

  • Cách Sài Gòn không quá xa nên du khách thường chọn một trong hai cách sau để di chuyển tới khu du lịch Rừng Sác Cần Giờ:

Xe khách

  • Nếu đi xe bus, bạn có thể bắt chuyến xe đi Nhà Bè và dừng ở phà Bình Khánh, đi qua phà sau đó bắt tiếp một chuyên bus nữa là đi ra biển. Lưu ý là vì xe bus ở Cần Giờ không có trạm đón trả khách nên muốn xuống điểm nào bạn cần xin xuống xe.

Xe máy, ô tô cá nhân

  • Để chủ động hơn về mặt thời gian, nhiều du khách thường chọn di chuyển tới đây bằng xe cá nhân. Đường đi xe đến Cần Giờ khá đơn giản. Đi từ đại lộ Nguyễn Văn Linh, bạn rẽ phải sang đường Huỳnh Tấn hát rồi đi thẳng đến cuối đường là đến phà Bình Khánh.

4. Giá vé tham quan Rừng Sác Cần Giờ

  • Giá vé để tham quan khu sinh thái Vàm Sát cũng rất hợp lý. Để vào cổng du khách chỉ bỏ ra khoảng 35.000đ/ người. Muốn trải nghiệm các trò chơi như câu cá sấu sẽ mất khoảng 35.000đ/người; tham quan Đầm Dơi 40.000đ/người.
  • Nếu bạn trải nghiệm toàn bộ các dịch vụ khám phá, vui chơi, giải trí tại Vàm Sát thì có thể mua vé trọn gói để tiết kiệm chi phí.
Giá vé tham quan Rừng Sác Cần GiờGiá vé tham quan Rừng Sác Cần Giờ

Giá vé trọn gói

  • Vé trọn gói các dịch vụ tại Vàm Sát dao động khoảng từ 350.000 -550.000đ/vé tùy vào số khách của đoàn. Khi mua vé trọn gói du khách sẽ được trải nghiệm các dịch vụ như: vé vào cổng; vé tham; quan khu bảo tồn Dơi Nghệ bằng xuồng chèo; vé tàu tham quan khám phá sông nước Rừng ngập mặn Cần Giờ; đi bộ đường xuyên rừng; câu cua giải trí; tham quan Nai Hoang Dã; tìm hiểu quy trình ấp nở trứng cá sấu; tham quan trại cá sấu; du thuyền câu cá sấu; thử thách với cầu treo; chinh phục tháp Tang Bồng;… Nếu bạn muốn biết giá cụ thể từng dịch vụ thì có thể tìm hiểu bảng giá khu du lịch Vàm Sát để tham khảo.
Gái vé tham quan Rừng Sác Cần GiờGái vé tham quan Rừng Sác Cần Giờ

Lưu ý thêm

  • Trẻ em dưới 6 tuổi: miễn phí

5. Nên tới khu du lịch Rừng Sác Cần Giờ vào thời điểm nào?

  • Vì nằm ở khu vực phía Nam nên thời tiết tại Rừng Sác nắng nóng quanh năm. Tuy nhiên, khi tới khu du lịch, nhiệt độ dịu hơn rất nhiều, không quá nắng gắt như ở Sài Gòn. Để chuyến đi thuận lợi, bạn nên xem kĩ thời tiết, tránh dính những ngày mưa, gây khó khăn cho việc tham quan và khám phá khu rừng bên trong.

6. Khu du lịch Rừng Sác Cần Giờ có gì?

Hệ sinh thái động thực vật phong phú

  • Hệ sinh thái động thực vật ở Rừng Sác rất phong phú. Do đây là khu dự trữ sinh quyển thế giới nên các quy định vềviệc tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường luôn được đưa lên hàng đầu.
  • Về hệ thực vật, ở đây có rất nhiều loại cây, chủ yếu là bần trắng và mầm trắng, các loài cây nước lợ như bần chưa, dừa lá, ráng, ô rô… Hệ thống thực vật phong phú cùng với những quy định nghiêm ngặt về môi trường khiến cho không khí ở khu du lịch này luôn luôn trong làng, giúp du khách quên đi những ngày làm việc vất vả.
  • Về động vật, ở Rừng Sác có hệ động vật lớn, có nhiều loài bò sát nằm trong sách đỏ của Việt Nam như kỳ đà, tắc kè, trăn đất, cá sấu hoa… Đây được coi là khu rừng có hệ sinh thái được khôi phục và chăm sóc tốt nhất ở Việt Nam. Đến với Rừng Sác, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những loài động vật quý hiếm cùng nghe về đặc tính của chúng… Đây là cách quên đi những phiền muộn và hòa mình với thiên nhiên được nhiều người lựa chọn.
Hệ sinh thái thực vật sinh độngHệ sinh thái thực vật phong phú

Khu du lịch Vàm Sát

  • Khu du lịch Vàm Sát nằm trong lõi khu du lịch Rừng Sác Cần Giờ, là nơi thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.
  • Đến với Vàm Sát, du khách sẽ được tham gia hành trình du hí trên sông bằng ca nô cao tốc. Ca nô sẽ đi qua các con sông Dinh Bà và Lò rèn để đi vào trong khu du lịch này. Trên ca nô bạn có thể ngắm nhìn màu xanh trải dài vô tận của rừng mắm, rừng đước hai bờ. Dọc con sông là cuộc sống thường ngày của ngư dân vùng sông nước, cảm giác bình yên đến lạ.

Tham quan đảo khỉ

  • Đảo Khỉ trước đây không có nhiều số lượng cá thể như bây giờ. Ngày nay, vì môi trường sống được chăm sóc tỉ mỉ nên quần thể khỉ ngày càng phát triển nhanh chóng. Rất nhiều người đến đây vì tò mò muốn chiêm ngưỡng những chú khỉ đáng yêu và khám phá những điều thú vị về khỉ.
  • Ngoài ra, vào những ngày lễ tết hay cuối tuần, tại Đảo Khỉ sẽ diễn ra những show diễn nhỏ. Diễn viên là những chú khỉ biết làm xiếc. Vì vậy, vào những dịp này, các bố mẹ thường đưa con cái đến để thăm thú và khám phá.
Đảo khỉ Cần GiờĐảo khỉ Cần Giờ

Khu di tích lịch sử Rừng Sác

  • Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước, đặc khu Rừng Sác được ví như là “căn cứ nổi” của bộ đội đặc công. Nơi đây đã diễn ra hàng nghìn trận đánh lớn khiến quân địch vô cùng khiếp sợ. Bên cạnh đó, di tích Rừng Sác còn gắn liền với tên tuổi và ý chí dũng cảm ngoan cường của một thế hệ bộ đội đặc công.
  • Tại khu di tích, bạn sẽ được tham quan những mô hình mô phỏng lại cuộc sống và chiến đấu của bộ đội đặc công, thấy được sức sống mãnh liệt của họ. Để có nước ngọt phục vụ sinh hoạt, các chiến sĩ Trung đoàn tạo ra nước ngọt theo cách mà người nấu rượu hay làm, đun nước sôi lên rồi hứng lấy nước ngọt bốc hơi phía bên trong.
  • Xuyên suốt khu di tích là những bức tượng, mô hình tái hiện lại sự hi sinh cao cả của các chiến sỹ. Từ những nơi sinh hoạt của bộ đội như nhà quân nhu, xưởng quân giới, nhà quân y, nhà thông tin… đến những hoạt động thường ngày như may tư trang, bữa cơm của chiến sĩ, chiến sĩ diệt cá sấu, trưng nước ngọt,… đều được mô phỏng thật gần gũi giúp du khách hiểu được cuộc sống của các chiến sĩ năm xưa, tăng thêm lòng yêu nước.
Khu di tích lich sử Rừng SácKhu di tích lich sử Rừng Sác

7. Lịch sử chiến tranh Rừng Sác Cần Giờ

  • Đầu năm 1966, Quân ủy Trung ương chủ trương thành lập một đặc khu quân sự ở phía đông nam Sài Gòn để khống chế con đường thủy huyết mạch của địch là sông Lòng Tàu.
  • Ngày 15/04/1966, Đặc khu quân sự Rừng Sác được thành lập (lấy mật danh là T 10, sau đổi thành Đoàn 10 Rừng Sác), là một khu vực rộng 60.000 ha, phía đông giáp đường 15, phía Tây giáp sông Soài Rạp, phía bắc giáp đường 19, phía nam giáp biển. Đây là tập hợp 10 xã thuộc nhiều tỉnh khác nhau như Biên Hòa, Bà Rịa, Gia Định.
  • Đặc khu quân sự Rừng Sác có nhiệm vụ:
    • Xây dựng thành một khu căn cứ vững chắc, bàn đạp tiến công, bảo đảm cho các lực lượng vũ trang đứng vững và sàng tiến công địch trong mọi tình huống.
    • Tiến công địch trên các dòng sông, bến cảng, chủ yếu là sông Lòng Tàu, tiêu diệt lực sinh lực địch và phá hủy phương tiện chiến tranh của chúng.
    • Kết hợp chặt chẽ công tác xây dựng Đảng, công tác vận động nhân dân, xây dựng lực lượng du kích và phát triển mạnh mẽ chiến tranh du kích trong toàn đặc khu.
    • Bảo vệ an toàn hành lang vận chuyển hàng chiến lược của Trung ương và Miền theo đường mòn Hồ Chí Minh trên biển.
    • Trong những năm sau đó, nhiệm vụ của Đặc khu được điều chỉnh và bổ sung theo yêu cầu của chiến trường và sự phát triển của cách mạng, cụ thể là:
    • Đảm nhiệm một hướng tiến công vào cơ quan đầu não, sào huyệt của địch.
    • Tiến công liên tục vào các mục tiêu bến cảng, tàu quân sự neo đậu ở các cảng Rạch Dừa, Nhà Bè, Cát Lái, Thành Tuy Hạ, phá hủy phương tiện chiến tranh của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.
    • Tiến công các kho tàng hậu cần có tính chất chiến lược của địch như Rạch Dừa, Nhà Bè, Cát Lái, Thành Tuy Hạ, Long Bình, chủ yếu là kho xăng và kho bom đạn.
    • Tiến công các phương tiện vận tải đường thủy của địch đi lại trên sông Lòng Tàu, chủ yếu là các phương tiện vận chuyển xăng dầu, bom đạn và phương tiện chiến tranh của địch.
    • Tích cực hỗ trợ phong trào cách mạng địa phương, diệt ác phá kèm, giành quyền làm chủ, xây dựng lực lượng bán vũ trang ở xã ấp.
    • Xây dựng bàn đạp, hành lang, tạo thế đứng chân vững chắc để trong mọi điều kiện có thể sẵn sàng tiến công địch, đồng thời chống càn bảo vệ căn cứ.
  • Trong tất cả các nhiệm vụ trên, nhiệm vụ đánh chìm tàu trên sông, tại cảng và tiến công các kho tàng lớn của địch là nhiệm vụ chính.
  • Theo quyết định của Bộ Chỉ huy Miền, cơ quan chỉ huy đầu tiên của Đặc Khu Rừng Sác gồm các đồng chí: Lương Văn Nho, Đặc khu trưởng kiêm Chính ủy; Nguyễn Văn Mây, Chỉ huy phó; Đặng Văn Điệt (Sáu Tâm), Phó chính uỷ; Nguyễn Việt Hoa (Mười Thà), Chỉ huy phó; Trần Văn Phú (Trần Mân), Tham mưu trưởng; Nguyễn Văn phòng (Năm Phòng), Chủ nhiệm chính trị; Lê Công Trinh (Ba Trinh), Chủ nhiệm hậu cần.
  • Lực lượng của Đặc khu lúc đầu gồm 4 đội chiến đấu, 2 đội vận tải chiến lược, 3 cơ quan Đặc khu, Xưởng quân giới…Địa bàn hoạt động của đặc khu trải rộng 10 xã, chia làm hai khu: khu A đông sông Lòng Tàu và khu B tây sông Lòng Tàu. Các xã trong Đặc khu đều xây dựng được đội du kích và chi bộ Đảng.
  • Đến cuối năm 1966, Đặc khu Rừng Sác có 13 chi bộ của Đoàn 10 với 256 đảng viên trong tổng số 614 cán bộ chiến sĩ, 10 chi bộ xã với 67 đảng viên trong tổng số trên 20.000 dân.
  • Từ khi Mỹ đổ quân trực tiếp xâm lược miền Nam Việt Nam, tình hình chiến trường ngày càng ác liệt. Đặc khu quân sự Rừng Sác cũng không nằm ngoài bối cảnh đó. Những tháng ngày địch phản kích sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 là những tháng ngày ác liệt nhất.
  • Địa bàn Rừng Sác sình lầy ngập mặn quanh năm, sông rạch chằng chịt, từ sông Soài Rạp vắt ngang qua Quốc lộ 15, từ Nhà Bè theo sông Lòng Tàu chảy ra cửa biển Vũng Tàu, diện tích hơn nghìn cây số vuông, toàn là rừng đước, chà là, bần, mắm.
  • Tuy có khoảng 20.000 dân trên địa bàn 10 xã của Đặc khu, nhưng hầu hết phải sống trong các ấp chiến lược do địch kiểm soát, chỉ có một số ít dân hằng ngày ra ngoài làm ăn, việc tiếp tế cho cách mạng rất khó khăn.
  • Địa bàn đặc biệt của Rừng Sác được tướng Mỹ Westmoreland mô tả trong cuốn Tường trình của một quân nhân là “một chiến trường kỳ lạ, một cuộc chiến đấu kỳ lạ trong một cuộc chiến tranh kỳ lạ” và cứ 3 lính Mỹ mới có thể chọn được một lính Mỹ thiện chiến có khả năng trên đấu trong Rừng Sác.
  • Địa bàn Rừng Sác, ngoài các ấp chiến lược, là vùng tự do bắn phá, bất kỳ lúc nào bom pháo của Mỹ cũng có thể trút xuống.
  • Trong các đợt tiến công năm 1968, Mỹ đã sử dụng nhiều phi đội B52 oanh tạc Đặc khu Rừng Sác, dư chấn những trận bom có thể được nghe thấy tại Sài Gòn. Máy bay, tàu chiến của Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa quần đảo, oanh kích suốt ngày đêm trên địa bàn Đặc khu. Bất cứ một vệt khói bốc lên hay một vết trắng của bọt nước cho thấy dấu hiệu của ghe máy đi qua thì lập tức hàng tấn bom đạn trút xuống khu vực. Các loại máy bay trực thăng, máy bay trinh sát OV6, OV10 thường xuyên quần đảo sát mặt đất, phát hiện những dấu hiêu nhỏ nhất của cuộc sống trong Rừng Sác để gọi phi pháo oanh tạc hay đổ quân càn quét.
  • Mỗi khi thủy triều lên, tàu trọng tải lớn của Mỹ vận chuyển vũ khí và phương tiện chiến tranh từ biển vào sông Lòng Tàu, địch thường sử dụng các loại tàu rà, tàu quét, chạy sát hai bờ để phá hủy những vũ khí của đặc công Rừng Sác mai phục, bắn phá ác liệt vào các khu vực nghi lực lượng ta trú đóng, đổ quân trấn giữ các cửa sông, các các con đường đi lại trong Rừng Sác.
  • Quân đội Mỹ còn sử dụng người nhái, biệt kích, các loại tàu sắt thả trôi trước ở các cửa sông để ngăn chặn đặc công Rừng Sác tiếp cận mục tiêu.
  • Không những thế, để lực lượng cách mạng không còn chỗ trú ẩn, Mỹ đã tiến hành rải chất độc làm trụi lá cây vào căn cứ Rừng Sác, khiến cho nhiều thời điểm, cây cối chết khô, gây khó khăn cho hoạt động của đặc công Đoàn 10 Rừng Sác. Các chiến sĩ đặc công đã phải đắp hầm nổi ngụy trang bằng màu cây khô để trú ẩn, đợi rừng mọc trở lại.
  • Quán triệt những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi thành lập lực lượng đặc công: “Đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải có cố gắng đặc biệt. Các chiến sĩ đặc công được tin tưởng đặc biệt... Bất kỳ nhiệm vụ gì, bất kỳ nhiệm vụ đặc biệt nào cũng phải hoàn thành và hoàn thành cho tốt... Bất kỳ khó khăn đặc biệt nào cũng phải vượt qua, cũng phải khắc phục cho kỳ được...”, Đoàn 10 đặc công Rừng Sác có khẩu hiệu “Có lệnh là đi, hoàn cảnh nào cũng đánh, đã đánh là thắng, dù còn một khẩu súng. một khẩu súng, một viên đạn cũng tiến công”.
  • Qua 10 năm bám trụ tại Đặc khu Rừng Sác trong điều kiện vô cùng ác liệt Đoàn 10 đặc công đã đánh cháy và đánh chìm hơn 500 tàu chiến các loại của hải quân Mỹ và Việt Nam Cộng hòa, đánh chìm, đánh cháy gần 200 tàu vận tải quân sự từ 6.000 tấn đến hàng vạn tấn trên sông Lòng Tàu và tại các bến cảng, bắn rơi hàng chục máy bay trực thăng. Đơn vị pháo đặc công đã tiến công nhiều trận vào nội đô Sài Gòn - Gia Định, trong đó đáng kể là trận tiến công phá Lễ Quốc khánh Việt Nam Cộng hòa ngày 01/11/1966.
  • Chiến công nào không đi liên với sự hy sinh. 10 năm bám trụ, sống chiến đấu ngay cạnh sào huyệt của kẻ thù, lập nên những chiến công vang dội, các chiến sĩ đặc công Rừng Sác cũng phải chịu những thiệt hại vô cùng to lớn. Đã có trên 860 cán bộ, chiến sĩ đặc công Đoàn 10 Rừng Sác hi sinh, trong số đó hơn 500 người không tìm được xác, thân thể, hài cốt các anh đã chìm sâu dưới lòng sông hoặc trôi ra biển cả.
  • Trong số 860 liệt sĩ của Đặc khu Rừng Sác, có 621 cán bộ chiến sĩ của Đoàn 10 đặc công Rừng Sác, trên 200 cán bộ chiến sĩ còn lại là con em của đồng bào địa phương 10 xã trong vùng căn cứ.
  • Trong số 621 cán bộ chiến sĩ của Đoàn 10 Rừng Sác hy sinh, có 319 chiến sĩ đặc công miền Bắc vào hoạt động trong Đặc khu Rừng Sác, còn lại là các chiến sĩ đặc công quê ở các tỉnh miền Nam.
  • Ngoài việc hy sinh vì bom đạn của kẻ thù, hàng chục chiến sĩ đã bị thương và hy sinh do cá sấu rừng Sác. Chiến sĩ Nguyễn Đức Chương, chiến sĩ Lương Đình Mướt, chiến sĩ vệ binh Mười Mót là những người đã phải đối mặt và thoát khỏi hàm răng cá sấu. Nhưng có những chiến sĩ đặc công như Trung đội trưởng Khét, Trung đội trưởng Nghĩa, đã vượt qua bao nhiêu trận đánh khốc liệt, thoát khỏi bàn tay địch trong "đường tơ kẽ tóc", nhưng cuối cùng đã bất ngờ hy sinh do sấu dữ tấn công.
  • Chiến tranh đã qua đi 45 năm, những chiến công của các chiến sỹ Đoàn 10 Rừng Sác đã trở thành huyền thoại.Các anh xứng đáng với 16 chữ vàng truyền thống Quốc hội trao tặng Binh chủng đặc công “Đặc biệt tinh nhuệ; Anh dũng tuyệt vời; Mưu trí táo bạo; Đánh hiểm thắng lớn”. Sự hy sinh vô bờ bến của các anh đã góp phần vào thắng lợi rực rỡ của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.
Lịch sử chiến tranh Rừng SácLịch sử chiến tranh Rừng Sác

8. Một số lưu ý khi tới Rừng Sác Cần Giờ

  • Không cho động vật trong rừng ăn đồ lạ, tránh làm kích động các loại động vật.
  • Không xả rác hay tự ý tưới nước lên các cây trong rừng. Không bẻ, hái cành cây trong rừng.
  • Khi tới đảo khỉ, những chú khỉ “dạn” người có thể giật đồ của bạn.
  • Rừng khá rộng, nên bạn hãy mặc đồ thoải mái, đi giày bệt hoặc giày thể thao để thuận tiện trong việc di chuyển.
  • Khi tới khu di tích lịch sử, không nên tạo dáng chụp ảnh quá phản cảm với những bức tượng của các chiến sỹ.
Rừng Sác Cần GiờRừng Sác Cần Giờ

Trên đây là một số thông tin bạn cần biết khi đến tham quan khu du lịch Rừng Sác Cần Giờ. Địa điểm thú vị này sẽ là lựa chọn lí tưởng nếu bạn chưa biết đi đâu vào ngày cuối tuần. Những trải nghiệm thú vị tại đây chắc chắn sẽ không khiến bạn thất vọng đâu!

XEM THÊM: 


 

Ý kiến bạn đọc